Đánh giá hiệu quả và sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng sữa rửa mặt Lenka
Nhóm tác giả: Quách Thị Hà Giang*, Vũ Thanh Tùng*, Phạm Thị Minh Phương*, Phạm Thị Lan**, Trịnh Minh Trang*
- Đặt vấn đề
Da là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh, nó đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ thể để đáp ứng với mọi sự thay đổi của tác nhân bên ngoài [1]. Da mặt hàng ngày có sự tích sừng, các chất bài tiết của tuyến mồ hôi, tuyến bã và tiếp xúc với các tạp chất từ môi trường khói bụi, đồng thời, trang điểm là nhu cầu không thể thiếu của đa số phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều chất bài tiết, tạp chất môi trường và các sản phẩm mỹ phẩm không hòa tan trong nước, rửa mặt với nước thông thường sẽ không đủ để loại bỏ chúng. Các chất làm sạch có tác dụng nhũ hóa chúng thành các hạt nhỏ hơn có khả năng tan trong nước. Thành phần chính của chất làm sạch là các chất hoạt động bề mặt (chất nhũ hóa/ chất tẩy rửa/ xà phòng) làm giảm sức căng bề mặt trên da và loại bỏ bụi bẩn, chất nhờn, dầu từ các sản phẩm mỹ phẩm, vi sinh vật và các tế bào da dưới dạng nhũ tương. Tuy nhiên, chất làm sạch còn tương tác với các chất lipid và protein ở trên da và các tế bào sừng để giải phóng
các cytokine, các chất này có thể gây kích ứng và phá hủy bề mặt da. Một chất làm sạch lý tưởng có khả năng loại bỏ các thành phần này mà không
gây tổn hại hoặc gây kích ứng da và có khả năng giữ ẩm. [2], [3].
Với sự ra đời của công nghệ tiên tiến, chất tẩy rửa mới hơn hiện đang được sản xuất có tác dụng làm sạch nhẹ, giữ ẩm và có thể dễ dàng rửa sạch. Sản phẩm nghiên cứu sữa rửa mặt LENKA là sản phẩm sữa rửa không xà phòng, không tạo bọt, không mùi đã được phép lưu hành với số đăng ký 00756/13/CBMP-HCM. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: đánh giá hiệu quả làm sạch và sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt Lenka.
Phản biện khoa học: PGS.TS. Đặng Văn Em
* Bệnh viện Da liễu Trung ương
** Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng tham gia thử nghiệm
– Người thử nghiệm nam và nữ tuổi từ 18 trở lên, đồng ý tham gia nghiên cứu, không có tiền sử dị ứng với thành phần nào của sản phẩm thử nghiệm.
– Loại trừ người thử nghiệm có bệnh cấp tính, mạn tính nào ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu tiến cứu nhãn mở, so sánh trước và sau thử nghiệm.
2.2.2. Cỡ mẫu
70 người đủ tiêu chuẩn lựa chọn gồm 30 người thuộc nhóm da dầu, 30 người thuộc nhóm da khô và 10 người thuộc nhóm da hỗn hợp.
2.2.3. Vật liệu nghiên cứu
- Sữa rửa mặt LENKA
- Dung tích: 150ml
- Thành phần: deionized water, propylene glycol, cetearyl alcohol, sodium lauryl sulfate, potassium sorbate.
2.3.4. Cách thức tiến hành
– Người thử nghiệm sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt Lenka 2 lần/ngày sáng tối theo quy trình trong 30 ngày.
– Khám lại vào các ngày D15, D30
2.2.5. Các biến số và chỉ số nghiên cứu
2.2.5.1. Chỉ số đánh giá tác dụng phụ
– Đánh giá các chỉ số gồm đỏ da, bong vảy, khô da, mụn nước, bọng nước. Mỗi chỉ số đỏ da, bong vảy, khô da sẽ được đánh giá theo thang điểm từ 0 – 3.
– Đánh giá triệu chứng cơ năng ngứa, nóng, rát từ mức độ 0 – 3.
2.2.5.2. Chỉ số đánh giá hiệu quả của sản phẩm
– Đánh giá hiệu quả của bác sĩ da liễu dựa vào tiêu chí làm sạch tốt, không gây khô da, làm mềm da, dễ rửa sạch theo mức độ không, ít, trung bình,
tốt, rất tốt.
– Đánh giá mức độ hài lòng của người thử nghiệm theo các mức độ thấp nhất từ không hài lòng đến cao nhất nhất là rất hài lòng.
- Kết quả nghiên cứu
3.1. Một số thông tin về người tham gia thử nghiệm (n=70)
Bảng 3.1: Thông tin về người tham gia thử nghiệm (n = 70)
Giới | Nam | Nữ |
Tuổi trung bình | 7,1% | 92,8% |
38,2 ± 1,5 (khoảng biến thiên 20-59) |
Nhận xét: Đa số người tham gia thử nghiệm là nữ, chiếm tỷ lệ 92,8% trong độ tuổi trưởng thành với độ tuổi từ 20 – 59.
Thói quen rửa mặt bằng sữa rửa mặt (%)
Biểu đồ 3.1: Thói quen sử dụng rửa mặt bằng sản phẩm làm sạch
Nhận xét: Hơn nửa số người tham gia thử nghiệm thường xuyên dùng chất làm sạch mặt (57,1%), 10% số người thử nghiệm không có thói quen dùng sản phẩm làm sạch da mặt.
3.2. Đánh giá hiệu quả sản phẩm
3.2.1. Đánh giá hiệu quả của bác sĩ da liễu tại D15/D30
Bảng 3.2.1: Đánh giá hiệu quả của bác sĩ da liễu sau 15 ngày sử dụng
Loại da | Tiêu chí đánh giá hiệu quả | Không n (%) | Ít n (%) | Trung bình n (%) | Tốt n (%) | Rất tốt n (%) |
Da nhờn (n = 30) | Làm sạch tốt | 0 0,00 | 0 0,00 | 3 11,11 | 21 77,78 | 3 11,11 |
Không gây khô da | 0 0,00 | 0 0,00 | 3 11,11 | 20 74,07 | 4 14,81 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 0 0,00 | 5 18,52 | 17 62,96 | 5 18,52 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 20 74,07 | 7 25,93 | |
Da khô (n = 30) | Làm sạch tốt | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 28 96,55 | 1 3,45 |
Không gây khô da 0 0,00 | 0 0,00 | 1 3,57 | 7 25,00 | 16 57,14 | 4 14,29 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 3 10,34 | 9 31,03 | 12 41,38 | 5 17,24 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 1 3,45 | 16 55,17 | 12 41,38 | |
Da hỗn hợp (n = 10) | Làm sạch tốt | 0 0,00 | 0 0,00 | 2 18,18 | 5 45,45 | 4 36,36 |
Không gây khô da | 0 0,00 | 0 0,00 | 3 27,27 | 4 36,36 | 4 36,36 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 0 0,00 | 2 18,18 | 3 27,27 | 6 54,55 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 5 45,45 | 6 54.55 |
Nhận xét: Các tiêu chí làm sạch tốt, dễ rửa sạch, không gây khô da, làm mềm da đều có mức độ nhận xét tốt và rất tốt vào các ngày 15 chiếm tỷ lệ từ 80% – 100%.
Bảng 3.2.2: Đánh giá hiệu quả của bác sĩ da liễu sau 30 ngày sử dụng
Loại da | Tiêu chí đánh giá hiệu quả | Không n (%) | Ít n (%) | Trung bình n (%) | Tốt n (%) | Rất tốt n (%) |
Da nhờn (n = 30) | Làm sạch tốt | 2 7.14 | 0 0,00 | 2 7,14 | 18 64,29 | 6 21,43 |
Không gây khô da | 0 0,00 | 0 0,00 | 5 17,86 | 14 50,00 | 9 32,14 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 0 0,00 | 5 17,86 | 14 50,00 | 9 32,14 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 19 67,86 | 9 32,14 | |
Da khô (n = 30) | Làm sạch tốt | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 21 75,00 | 7 25,00 |
Không gây khô da | 0 0,00 | 0 0,00 | 7 25,00 | 9 32,14 | 12 42,86 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 2 7,14 | 5 17,86 | 13 46,86 | 8 28,57 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 12 42,86 | 16 57,14 | |
Da hỗn hợp (n = 10) | Làm sạch tốt | 0 0,00 | 0 0,00 | 1 11,11 | 4 44,44 | 4 44,44 |
Không gây khô da | 0 0,00 | 0 0,00 | 2 22,22 | 1 11,11 | 6 66,67 | |
Làm mềm da | 0 0,00 | 0 0,00 | 1 11,11 | 2 22,22 | 6 66,67 | |
Dễ rửa sạch | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 3 33,33 | 6 66,67 |
Nhận xét: Các tiêu chí làm sạch tốt, dễ rửa sạch, không gây khô da, Làm mềm da đều có mức độ nhận xét tốt và rất tốt vào các ngày 30 chiếm tỷ lệ từ 75% – 100%
3.3. Đánh giá độ an toàn của sản phẩm
Bảng dưới đây trình bày số lượng và tỷ lệ % đối tượng nghiên cứu theo tình trạng và mức độ kích ứng da trong thời gian tham gia nghiên cứu.
Bảng 3.3: Đánh giá triệu chứng dị ứng, kích ứng đỏ da, khô da và vảy da trong thời gian tham gia nghiên cứu
Loại da | Tiêu chí đánh giá | Không n (%) | Nhẹ n (%) | Trung bình n (5) | Nặng n (%) |
Da nhờn (n = 30) | Đỏ da | 27 100,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 |
Vảy da | 26 100,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | |
Khô da và nứt da | 24 88,89 | 3 11,11 | 0 0,00 | 0 0,00 | |
Da khô (n = 30) | Đỏ da | 28 96,55 | 1 3,45 | 0 0,00 | 0 0,00 |
Vảy da | 29 100,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | |
Khô da và nứt da | 27 93,10 | 2 6,90 | 0 0,00 | 0 0,00 | |
Da hỗn hợp (n = 10) | Đỏ da | 9 100,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 |
Vảy da | 9 100,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | 0 0,00 | |
Khô da và nứt da | 8 88,89 | 1 11,11 | 0 0,00 | 0 0,00 |
Nhận xét: Trong số 70 người tham gia thử nghiệm, không có người tham gia nào có triệu chứng đỏ da, vảy da, có 3 người có triệu chứng khô da nhẹ, chiếm 4,3%.
3.4. Đánh giá mức độ hài lòng của người thử nghiệm
Biểu đồ 3.2: Mức độ hài lòng của người sử dụng sản phẩm
Nhận xét: 92,8% người thử nghiệm hài lòng nhiều với sản phẩm tham gia thử nghiệm, 2,9% người thử nghiệm hài lòng rất nhiều.
- Bàn luận
Các thành phần tế bào sừng, tuyến bã, tuyến mồ hôi, cùng với tồn dư của các sản phẩm mỹ phẩm trên bề mặt da là các chất cần được loại bỏ và đây là đích tác động của các chất hoạt động bề mặt trong chất làm sạch, sữa rửa mặt. Nhu cầu làm sạch đã xuất hiện từ thời cổ đại và nhu cầu này phát triển ngày càng cao và đa dạng, đặc biệt là đối với sản phẩm chất làm sạch da mặt. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 70 người tham gia thử nghiệm, đa số người tham gia thử nghiệm là nữ, chiếm tỷ lệ 92,8%, chỉ có 7,1% nam giới; người tham gia thử nghiệm ở độ tuổi trung bình là 38,2 tuổi. Có 57,1% người sử dụng sữa rửa mặt hàng ngày, 32,9% người thỉnh thoảng và có 10% người không có thói quen sử dụng sữa rửa mặt. Trước đây, những người sử dụng sữa rửa mặt hàng ngày đa số là phụ nữ và ở độ tuổi thanh thiếu niên và đi làm. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống nâng cao thì nhu cầu thẩm mỹ của người dân cũng đòi hỏi cao hơn; việc sử dụng sản phẩm làm sạch, sữa rửa mặt thường xuyên hơn, đối tượng rộng rãi hơn. Nghiên cứu trên 2713 phụ nữ trưởng thành trên 15 tuổi ở Pháp cho thấy có 29% đã dùng xà phòng đặc, 18% dùng gel làm sạch không chứa xà phòng, 37% đã dùng sữa rửa mặt dạng sữa với tần suất trên 1 lần/ngày. Nghiên cứu trên 2693 nam giới, số liệu cho thấy có 45% sử dụng xà phòng dạng đặc, 41% sử dụng xà phòng dạng lỏng và 12% sử dụng gel làm sạch không xà phòng để làm sạch da mặt với tần suất dao động từ 0,91 – 1,22 lần/ ngày [4].
Gần đây các bác sĩ da liễu tập trung nhiều hơn vào việc làm sạch da mặt như là một phần thiết yếu của chăm sóc da. Trong thử nghiệm có 30 người thuộc nhóm da nhờn, 30 người thuộc nhóm da khô và 10 người thuộc nhóm da hỗn hợp. Người thử nghiệm được sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt pH trung tính có thành phần sodium
lauryl sulfate, propylene glycol, stearyl glycol trong 30 ngày, dùng 2 lần/ngày sáng và tối. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở cả 3 nhóm da: các tiêu chí làm sạch tốt, dễ rửa sạch, không gây khô da, làm mềm da đều có mức độ nhận xét tốt và rất tốt của bác sĩ da liễu vào các ngày 15, 30 chiếm tỷ lệ từ 80% – 100%, không có sự khác biệt giữa
nhóm da khô và da nhờn với các tiêu chí này (p > 0,05). Sản phẩm thử nghiệm trong nghiên cứu có chất hoạt động bề mặt là sodium lauryl sulfate. Đây là chất làm sạch thuộc nhóm điện tích âm thuộc nhóm alkyl sulfate, có khả năng làm sạch cao nhất, tính chất làm ướt tốt, nhưng tính chất khử trùng trung bình và chi phí sản phẩm cuối
cùng vừa phải. Do đó, đây là chất động bề mặt được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trong sữa rửa mặt và các chất tẩy rửa khác.
Đánh giá về các triệu chứng dị ứng và kích ứng của người thử nghiệm khi sử dụng sản phẩm ở nhóm da nhờn: trong số 70 người tham gia thử nghiệm, không có người tham gia nào có triệu chứng đỏ da, vảy da, có 3 người có triệu chứng khô da nhẹ chiếm 4,3%. Các chất làm sạch thông thường được cho là làm giảm độ ẩm lớp sừng, gây khô da, bong vảy. Các chất làm sạch loại bỏ luôn cả các chất béo sinh lý của da do các thành phần bị loại bỏ gắn cùng cùng các chất béo này. Có sự dịch chuyển của nước xảy ra trong quá trình rửa làm mất nước xảy ra nhanh trong một thời gian ngắn do các chất làm sạch loại bỏ cả các yếu tố giữ ẩm tự nhiên hòa tan trong nước và lớp lipid bề mặt. Hậu quả lâu dài có thể phá hủy các thành phần lipid và protein lớp sừng dẫn tới giảm độ ẩm của da. Hiện tượng này dẫn tới làm tăng mức độ khô ráp bề mặt da, tăng mức độ mất nước qua da. Chất hoạt động bề mặt được biết đến là chất có thể gây kích ứng da, dẫn đến viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD) do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương giải phóng các cytokine có nguồn gốc từ các tế bào sừng gây gây kích ứng, ban đỏ và ngứa.
Loại và lượng chất hoạt động bề mặt trong chất làm sạch có ảnh hưởng đến khả năng gây khô và kích ứng tới da. Mặc dù chất hoạt động bề mặt điện tích âm như sodium lauryl sulfate được coi là có khả năng kích ứng lớn nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ của chúng trong chất tẩy rửa và sự kết hợp của chúng với các polyme cation acrylate hoặc các chất hoạt động bề mặt không chứa điện tích và các chất giữ ẩm như propylene glycol làm thay đổi khả năng kích ứng. Hơn thế nữa, mức độ kích ứng còn phụ thuộc vào nồng độ, tần suất sử dụng và thời gian tiếp xúc. Kết quả một số nghiên cứu của Fulmer và cộng sự năm 1986 và Froebe và cộng sự năm 1990 về sự ảnh hưởng của thành phần lipid ở lớp tế bào sừng bởi các chất hoạt động bề mặt cho thấy rằng các chất hoạt động bề mặt như sodium lauryl sulfate, sodium dodecyl sulfate không làm mất đi lipid da nếu thời gian sử dụng không quá dài song nó làm thay đổi trong việc tổng hợp ceramide [5]. Trong tài liệu, các nghiên cứu so sánh về khả năng kích ứng và kích thích của các chất hoạt động bề mặt khác nhau rất không đồng nhất và vẫn chưa kết luận để chỉ ra rõ ràng các hoạt chất tốt nhất để sử dụng [5].
Hiện nay, các công ty mỹ phẩm đưa ra thị trường nhiều loại chất làm sạch và đề xuất chúng là các sản phẩm dịu nhẹ, tuy nhiên không có thỏa thuận quốc tế về các tiêu chí để xác định độ dịu nhẹ của sản phẩm làm sạch. Bác sĩ cần phải hiểu rõ những thành phần, tính chất của các sản phẩm làm sạch để có phương pháp điều trị, tư vấn hiệu quả bệnh nhân và khách hàng.
- Kết luận
Sản phẩm thử nghiệm sữa rửa mặt Lenka có khả năng làm sạch tốt, không gây các phản ứng dị ứng và kích ứng đáng kể, thích hợp cho cả 3 loại da nhờn, da khô và da hỗn hợp.
Mức độ hài lòng của người sử dụng sản phẩm ở mức độ nhiều và rất nhiều cao (95,7%). 92,8% người thử nghiệm hài lòng nhiều với sản phẩm tham gia thử nghiệm, 2,9% người thử nghiệm hài lòng rất nhiều.
Tài liệu tham khảo
- Bệnh học Da liễu (2017), Nhà xuất bản Y học, p21-33.
- Bikows(2001). The use of cleansers as therapeutic concomitants in various dermatologic disorders. Cutis, 68:12-9.
- Mukhopadhyay, Partha. Cleansers and their role in various dermatological disorders . Indian Journal of Dermatology 56.1 (2011): 2-6.
- Consumption of cosmetic products by the French population. First part: Frequency date, Article · February 2015.
- Per Thune (1996). The Effects of Detergents on Hydration and Skin Surface Lipids.