Đặc điểm lâm sàng của hội chứng sảng cấp dạng kích động ở bệnh nhân ngộ độc cấp
Tác giả: Đỗ Đình Lượng1,4, Đặng Thị Xuân2, Nguyễn Văn Tuấn1,3, Hà Trần Hưng1,2
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng của hội chứng sảng cấp dạng kích động ở bệnh nhân ngộ độc cấp tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 48 bệnh nhân có hội chứng sảng cấp dạng kích động do ngộ độc cấp tại trung tâm chống độc,Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1 năm 2020 tới tháng 10 năm 2021.
Kết quả: Trong số bệnh nhân nghiên cứu, nam chiếm 72,9%, gặp nhiều nhất ở nhóm tuổi 18-19 (64,6%), đa số là lao động tự do (71,7%). Tỷ lệ triệu chứng lâm sàng kích động với mức độ nặng là 100%. Các triệu chứng thường gặp là không sợ đau (50%), thở nhanh (97,7%), vã mồ hôi (70,8%), không làm theo lệnh (83,3%), tăng cường cơ (81,3%), mệt mỏi (77,1%), tăng thân nhiệt (85,4%), quần áo không phù hợp (54,6%), co giật (31,3%), tăng phản xạ gân xương (72,9%), giãn đồng tử (56,3%) và run (47,9%), tăng trương lực cơ (79,2%), huyết áp tâm thu trung bình 135,0 ± 10,6 mmHg, nhịp tim trung bình là 120,4 ± 13,9.
Kết luận: Hội chứng sảng cấp dạng kích động ở bệnh nhân ngộ độc cấp là một cấp cứu lâm sàng với biểu hiện mức độ kích động nặng, nhiều triệu chứng thực tổn nặng như tăng thân nhiệt, tăng trương lực cơ, co giật… cần được xác định và xử trí nhanh chóng.
Từ khóa: Hội chứng sảng cấp dạng kích động, ngộ độc cấp
1Trường Đại học Y Hà Nội,
2Trung tâm Chống độc,
3Viện sức khỏe tâm thần quốc gia,
4Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Chịu trách nhiệm chính: Đỗ Đình Lượng Email: dodinhluong28108@gmail.com Ngày nhận bài: 23.8.2021
Ngày phản biện khoa học: 25.10.2021
Ngày duyệt bài: 2.11.2021
- Đặt vấn đề
Hội chứng sảng cấp dạng kích động (Excited Delirium syndrome ExDS) theo Hiệp hội bác sĩ cấp cứu Hoa Kỳ (ACEP-American of college emergency physician) được định nghĩa là một tình trạng sảng cấp kết hợp với hoạt động dữ dội về thể chất và kích động về tâm thần1. Sảng cấp dạng kích động (SCDKĐ) với sự kích động bạo lực và hành vi quá khích là một trong những vấn đề thường xảy ra ở khoa cấp cứu. Nguyên nhân gây SCDKĐ thường gặp trong cấp cứu gồm có do ngộ độc các chất kích thích như cocain, amphetamine, LSD, cần sa, rượu.., và ít hơn là các bệnh lý tâm thần (như hưng cảm trầm cảm và tâm thần phân liệt). Cơ chế của sảng dạng kích động chưa được hiểu biết rõ ràng,trong khi điều trị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cùng với việc lạm dụng các chất kích thích ngày càng tăng thì ngộ độc do sử dụng các chất kích thích ngày càng gặp nhiều hơn. Nếu không kiểm soát được tình trạng SCDKĐ có thể dẫn tới tăng thân nhiệt, tiêu cơ vân, toan chuyển hóa và những cái chết đột ngột của bệnh nhân cũng như hành động kích động gây nguy hiểm của bệnh nhân cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong tùy theo các nghiên cứu được báo cáo từ 8-10%.2 Nghiên cứu ở Việt Nam về lâm sàng của hội chứng SCDKĐ do ngộ độc còn chưa nhiều. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng của hội chứng sảng cấp dạng kích động trong ngộ độc cấp.
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Tiêu chuẩn lựa chọn: Các bệnh nhân có biểu hiện SCDKĐ do ngộ độc cấp điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2020 tới 8/2021.
Tiêu chuẩn loại trừ: Các bệnh nhân CTSN, nhiễm trùng TKTW, tai biến mạch máu não, ra viện vẫn không xác định được nguyên nhân, bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.
- Thời gian địa điểm nghiên cứu:
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021
Địa điểm nghiên cứu: Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu
Cỡ mẫu nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm chống độc trong thời gian nghiên cứu phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn. có tất cả 48 bệnh nhân.
Tiến hành nghiên cứu: Bệnh nhân ngộ độc cấp có biểu hiện sảng cấp dạng kích động (≥6/10 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ACEP) được khám đánh giá các triệu chứng về tâm thần, thần kinh, tim mạch, hô hấp và các triệu chứng cơ quan khác phối hợp.
Phân tích số liệu: Số liệu được phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0. dữ liệu được trình bày dưới dạng tần số và tỉ lệ phần trăm với biến định tính, dạng trung bình ± độ lệch chuẩn hoặc trung vị (tứ phân vị) với biến định lượng.
III. Kết quả nghiên cứu
Trong thời gian nghiên cứu có tất cả 48 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn lựa chọn. Hội chứng SCDKĐ thường gặp nhất ở nhóm có độ tuổi từ 18-39 (64,6%), nhóm từ 40-60 tuổi chiếm 18,8%, nhóm ≥ 60 tuổi 3,1 %. Trong đó trẻ nhất là 18 tuổi và nhiều tuổi nhất 70 tuổi, độ tuổi trung bình là 31,2 ±13,1. Trong số bệnh nhân nghiên cứu thì chủ yếu gặp nam giới (35 bệnh nhân chiếm 72,9%). Bệnh nhân lao động tự do số lượng nhiều nhất (35 bệnh nhân tỷ lệ 72,9%), học sinh, sinh viên có 11 bệnh nhân với tỷ lệ 22,9%, nông dân 1 bệnh nhân và công chức 1 bệnh nhân tỷ lệ mỗi loại 2,1%.
Đặc điểm lâm sàng của hội chứng sảng cấp dạng kích động:
- Tỷ lệ các triệu chứng trong hội chứng sảng cấp dạng kích động theo ACEP
Biểu đồ 1. Đặc điểm tỷ lệ các triệu chứng trong hội chứng sảng cấp dạng kích động
Nhận xét: Trong 10 triệu chứng chẩn đoán sảng cấp dạng kích động theo AECP thì gặp nhiều nhất triệu chứng kích động 100%, và ít nhất là triệu chứng thu hút bởi kính gương 4,2%.
- Mức độ kích động trong sảng cấp dạng kích động
Biểu đồ 2. Tỷ lệ mức độ kích động trong hội chứng sảng cấp dạng kích động
Nhận xét: Kích động gặp trong sảng cấp dạng kích động chủ yếu mức độ nặng, trong đó RASS+3 là 89,6%, RASS+4 10,4%.
- Đặc điểm các triệu chứng tâm thần kinh khác
Bảng 1. Đặc điểm các triệu chứng tâm thần kinh khác
Triệu chứng | Số lượng | % |
Tăng trương lực cơ | 38 | 79,2 |
Tăng phản xạ gân xương | 35 | 72,9 |
Ảo giác | 33 | 68,8 |
Hoang tưởng | 28 | 58,7 |
Đồng tử giãn | 27 | 56,3 |
Run | 23 | 47,9 |
Co giật | 10 | 31,3 |
Nhận xét: Thường gặp nhất là dấu hiệu tăng trương lực cơ và tăng phản xạ gân xương. Hoang tưởng và ảo giác cũng thường gặp (58,7% và 68,8%). Có 10 bệnh nhân có biểu hiện nặng là co giật (31,3%).
Bảng 2. Đặc điểm tim mạch trong sảng cấp dạng kích động
Triệu chứng | Thấp nhất | Lớn nhất | TB ± ĐLC |
Mạch | 105 | 160 | 120,4 ± 13,9 |
HA Tâm thu | 120 | 160 | 135,0 ± 10,6 |
HA tâm trương | 60 | 100 | 84,7 ± 8,02 |
Nhiệt độ | 36,8 | 38,8 | 37,6 ± 0,4 |
Nhận xét: Với tình trạng kích động các biểu hiện về Mạch và HATT và HATTr đều tăng. Nhiệt độ trung bình 37,6 ± 0,4, cao nhất 38,8 độ C.
- Bàn luận
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 48 bệnh nhân mắc hội chứng sảng cấp dạng kích động độ tuổi trong nghiên cứu từ 18 – 70 tuổi, nhóm tuổi mắc nhiều nhất là nhóm từ 18-39 tuổi với tỷ lệ 66,4% với độ tuổi trung bình là 31 tuổi tương tự với phân tích gộp của Goin và cộng sự với độ tuổi mắc của sảng cấp dạng kích động là 14- 71 tuổi với độ tuổi trung bình mắc là 33 tuổi.2 Đặc điểm của bệnh nhân về giới tính trong nghiên cứu chúng tôi gặp chủ yêu bệnh nhân là nam giới với tỷ lệ 72,9%, nữ giới chiếm tỷ lệ 27,1% tương đồng với nghiên cứu của Iwanicki JL, và cộng sự thì tỷ lệ nam giới là 83% và 17% là nữ.3
Trong nghiên cứu của chúng tôi triệu chứng không sợ đau 24 bệnh nhân (50%), thở nhanh có 47 bệnh nhân (97,7%), vã mồ hôi có 34 bệnh nhân (70,8%), kích động có 48 bệnh nhân (100%), không làm theo y lệnh có 40 bệnh nhân (83,3%), tăng cường độ vận cơ có 39 bệnh nhân (81,3%), mất cảm giác mệt mỏi có 37 bệnh nhân (77,1%), tăng thân nhiệt có 41 bệnh nhân 85,4%, trang phục không phù hợp 26 bệnh nhân (54,6), có 2 bệnh nhân bị thu hút bởi gương, kính(4,2%). So sánh với tần suất gặp các triệu chứng của SCDKĐ theo ACEP bệnh nhân không sợ đau 100%, thở nhan 100%, vã mồ hôi 95%, kích động 95%, tăng thân nhiệt 95%, không làm theo y lệnh 90%, vận động không mệt mỏi 90%, tăng vận cơ 90%, quần áo không thích hợp 60%, thu hút bởi gương, kính 10%.1
Mức độ kích động trong sảng cấp dạng kích động được đánh giá theo thang điểm RASS, trong nghiên cứu của chúng tôi có 43 (89,6%) bệnh nhân RASS + 3 và 3(11,4%) bệnh nhân RASS +4. Trong nghiên cứu Helmer J có 33 bệnh nhân bệnh thì bệnh nhân RASS +4 có 20 bệnh nhân 60,0%, bệnh nhân RASS + 3 có 13 bệnh nhân chiếm 39,9%. 4 Ngoài ra các triệu chứng tâm thần kinh khác như 10 bệnh nhân co giật (31,3%), có tăng phản xạ gân xương (72,9%), đồng tử giãn 27 bệnh nhân (56,3%) và run 23 bệnh nhân % (47,9%), tăng trương lực cơ 38 (79,2%). Trong đó co giật là triệu chứng đi cùng có thể gây nguy hiểm tính mạch cho bệnh nhân, ngoài ra co giật, run, tăng trương lực cơ, kích động cùng với tăng thân nhiệt gây mất nước có thể dẫn tới tiêu cơ vân, suy thận cấp.Trong nghiên cứu của Ruttenber AJ co giật ở bệnh nhân SCDKĐ 27%.
Huyết áp tâm trương tại thời điểm SCDKĐ trung bình là 84,7 ± 8,02, thấp nhất 65mmHg, cao nhất 100mmHg, Huyết áp tâm thu trung bình 135,0± 10,6 cao nhất lúc vào 160mmHg, thấp nhất 120 mmHg, Mạch trung bình 120,4 ± 13,9 cao nhất 160 lần/phút, thấp nhất 105 lần/phút. Nhiệt độ trung bình 37,6± 0,4, cao nhất 38,8 độ C. Trong nghiên cứu của Thomas R.Scaggs thấy huyết áp tâm trương trung bình lúc vào của bệnh nhân là 86 mmHg, huyết áp tâm thu trung bình là 148 mmHg và mạch trung bình 128 lần/phút.5
- Kết luận
Hội chứng sảng cấp dạng kích động ở bệnh nhân ngộ độc cấp là một cấp cứu lâm sàng với biểu hiện mức độ kích động nặng, nhiều triệu chứng thực tổn nặng như tăng thân nhiệt, tăng trương lực cơ, co giật… cần được xác định và xử trí nhanh chóng.
Tài liệu tham khảo
- White Paper Report on Excited Delirium Syndrome (ACEP) | Diseases And Disorders | Health Care. Scribd. Accessed July 20, 2021.
- Gonin P, Beysard N, Yersin B, Carron PN. Excited Delirium: A Systematic Review. Academic Emergency Medicine. 2018;25(5):552-565
- Wanicki JL, Barrett W, Saghafi O, et al. Prehospital ketamine for excited delirium in the setting of acute drug intoxication. In: Toxicology Clinical, New York, NY: Informa Healthcare, 2014:685–6.
- Helmer J, Acker J, Deakin J, Johnston T. Canadian paramedic experience with intramuscular ketamine for extreme agitation: A quality improvement initiative. Australasian Journal of Paramedicine. 2020;17.
- Scaggs TR, Glass DM, Hutchcraft MG, Weir WB. Prehospital Ketamine is a Safe and Effective Treatment for Excited Delirium in a Community Hospital Based EMS System. Prehosp Disaster med. 2016;31(5):563-569.
- Ruttenber AJ, Lawler-Heavner J, Yin M, et al. Fatal excited delirium following cocaine use: epidemiologic findings provide new evidence for mechanisms of cocaine toxicity. J Forensic Sci. 1997;42(1):25-31