Clinical pathway chẩn đoán và điều trị tổn thương giác mạc
Clinical pathway chẩn đoán và điều trị tổn thương giác mạc áp dụng cho Bác sĩ, Điều dưỡng chuyên ngành Mắt.
Người thẩm định: Phùng Nam Lâm Người phê duyệt: Phùng Nam Lâm Ngày phát hành: 03/08/2021
Phần 1: Đánh giá và chẩn đoán tổn thương giác mạc
Nội dung bài viết
Xem bảng tại đây Phụ lục 1 Phụ lục 2
1. Tiêu chuẩn đánh giá tổn thương giác mạc
1.1. Triệu chứng cơ năng:
Giảm thị lực, lóa mắt, chảy nước mắt, cộm mắt, đỏ mắt, có thể kèm theo đau nhức hoặc mất cảm giác giác mạc.
- Thị lực: từ ST (+/-) đến <10/10 hoặc 20/20 bản thị lực Snelen
- Bị chấn thương mắt, bị bỏng mắt, tiền sử viêm giác mạc hoặc các bất thường dị tật bẩm sinh khác gây nhìn mờ, đau nhức, cộm, chói, chảy nước mắt, sợ ánh sáng,…
1.2. Khám thực thể:
- Khám lác và vận nhãn, nếu có lác mắt sẽ bị nhược thị, để tiên lượng thị lực sau phẫu thuật.
- Khám phản xạ đồng tử (nếu được)
- Khám các phần phụ: xem có bị viêm bờ mi, chắp lẹo, lông quặm, lông xiêu không, có bị biến dạng mi không (hở mi, lật mi, sẹo co kéo mi,…), có viêm kết mạc mãn, viêm túi lệ mãn, nếu có viêm túi lệ mãn cần phải điều trị trước phẫu thuật,…
- Khám giác mạc (cắt bằng đèn khe sinh hiển vi, nhuộm tổn thương giác mạc): mô tả tổn thương giác mạc: phù giác mạc, thâm nhiễm giác mạc, thẩm lậu giác mạc, loét giác mạc, tình trạng và kích thước ổ loét, đục giác mạc, sẹo giác mạc, tâm mạch giác mạc, thoái hóa giác mạc, rách giác mạc, chấn thương mắt, trầy xước nông, sâu, dính mi cầu kết giác mạc, u bì kết giác mạc, dị vật giác mạc,…
- Khám tiền phòng: độ sâu của tiền phòng, tủa sau giác mạc, tyndall tiền phòng, mủ tiền phòng, máu tiền phòng,…
- Khám mống mắt: xem màu sấc của mống mắt, có rung rinh mống, thoái hóa mống hay không; đánh giá hình dạng, kích thước đồng tử, có dấu hiệu phòi mắt cua, hay dính mống mắt vào mặt sau giác mạc không
- Khám thủy tinh thể (nếu được): tình trạng thủy tinh thể: trong, đục vỏ, đục nhân, đục dưới bao sau
- Khám bán phần sau (nếu được): dịch kính võng mạc, hoàng điểm, gai thị: có thoái hóa hoàng điểm tuổi già, bong võng mạc, dãn lồi củng mạc không? (Siêu âm B bổ sung),…
2. Chẩn đoán và phân loại tổn thương giác mạc
2.1. Chẩn đoán:
- Chẩn đoán lâm sàng: tổn thương giác mạc
- Chẩn đoán xét nghiệm: XN vi sinh: vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng
2.2. Phân loại:
- Các bệnh nhiễm trùng và viêm đặc hiệu:
- Các bệnh nhiễm trùng:
- Viêm giác mạc do Virus Herpes simplex
- Viêm giác mạc do Zona
- Viêm giác mạc do virut Epstein – Bar
- Viêm giác mạc do vi khuẩn
- Viêm giác mạc do nấm
- Viêm giác mạc do Acanthamoeba
- Các bệnh không nhiễm trùng:
- Viêm giác mạc kẽ
- Viêm giác mạc chấm nông Thygeson
- Viêm kết giác mạc vùng rìa phía trên
- Viêm loét giác mạc ngoại vi (Mooren)
- Các bệnh nhiễm trùng:
- Các bệnh khác:
- Bệnh khô mắt
- Bệnh giác mạc do hở mi và dinh dưỡng thần kinh
- Bệnh trứng cá đỏ
- Hội chứng Stevens Johnson, các hội chứng khác,…
- Bệnh thiếu Vitamin A
- Tróc giác mạc, tổn hại biểu mô giác mạc
- Biến chứng của kính tiếp xúc lên giác mạc
- Dị tật bẩm sinh, thoái hóa và loạn dưỡng:
- Dị tật bẩm sinh: dị tật giác mạc về kích thước và hình dạng: giác mạc to, nhỏ, dẹt, chóp, giãn lồi, loạn dưỡng có giãn lồi. Dị thường về cấu trúc: loạn sản, loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh, chấn thương khi sinh
- Các bệnh thoái hóa giác mạc: thoái hóa bột đa hình, các chất lắng đọng, mỏng giác mạc vùng rìa
- Loạn dưỡng giác mạc: biêu mô, nhu mô, nội mô, giãn lồi,…
- U kết giác mạc
- Chấn thương phần trước nhãn cầu:
- Bỏng mắt: nhiệt, hóa chất, tia cực tím
- Rách lớp giác mạc, rách củng-giác mạc
- Xước giác mạc
- Dị vật kết giác mạc
Phần 2: Điều trị tổn thương giác mạc
Xem bảng tại đây
1. Xử trí cấp cứu (nếu có)
- Xuất huyết tiền phòng, dịch kính: Thuốc tan máu, hạ nhãn áp, uống nhiều nước.
- Nếu xuất huyết nhiều hay không đáp ứng nội khoa thì phẫu thuật rửa máu tiền phòng hoặc cắt dịch kính.
- Viêm màng bồ đào, viêm mủ nội nhãn: kháng sinh, kháng viêm uống, truyền, tiêm dưới kết mạc hay tiêm nội nhãn.
- Tăng nhãn áp: Thuốc hạ nhãn áp đơn thuần hay phối hợp.
- Chấn thương: Rách cùng-giác mạc: Khâu đóng vết thương.
- Bỏng giác mạc: Xử trí bỏng mắt theo quy trình hướng dẫn xử trí bỏng mắt.
2. Phương pháp điều trị tổn thương giác mạc
2.1. Điều trị nội khoa:
- Điều trị theo nguyên nhân:
- Điều trị vi khuẩn: Kháng sinh
- Clamydia: Erythromycin, Tetracylin, Doxycyclin,…
- Xoắn khuẩn: penicillin, Cephalosporin
- Cầu khuẩn G (-): Ceftriaxon, Cefotaxim, Penicillin G, Erythromycin, Tetracylin
- Cầu khuẩn G (+): beta lactam: Penicillin, cephalosporin, vancomycin
- Trực khuẩn G(-): Aminoglycosid: Gentamycin, Tobramycin; Flouroquinolon: Ofloxacin, Ciprofloxacin
- Trực khuẩn G (+): Penicillin, Aminoglycosid
- Vi khuẩn hình sợi G (+): Amikacin
- Điều trị virus: Idoxuridin 0,1%; Trifluridin 1%; Vidarabin 3%, Mỡ virupos hoặc mediclovir (Acyclovir tra mắt) 3%, Acyclovir viên uống 200mg, 400mg, 800mg,…
- Điều trị nấm
- Nấm men: Amphotericin B pha với glucose 5% để nhỏ mắt với nồng độ 0,15% hoặc truyền rửa mắt liên tục với nồng độ 0,02%. Nấm sợi: Ketoconazole tra mắt 10-15 lần/ngày, Natamycin 5% tra mắt 10-15 lần/ngày tùy mức độ nặng của bệnh. Chấm lugol 5% vào ổ loét hằng ngày. Uống: Itraconazol 0,1g ngày uống 2 viên/lần sau ăn trong 20-30 ngày.
- Điều trị ký sinh trùng:
- Kết hợp aminoglycosit (neomycin và paromomycin), Imidazol trong điều trị Acanthamoeba
- Điều trị vi khuẩn: Kháng sinh
- Điều trị triệu chứng: chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, giãn đồng tử:
- Co mạch: Naphazolin 0,1%, Phenylephrin 0,12%, Tetrahydrozolin 0,05%
- Co mạch phối hợp với kháng histamin: Naphazolin – antazolin ,…
- Kháng histamin: Levocabastin 0,05%
- Ổn định dưỡng bào: Cromolyn 4%, Lodoxamit 0,1%
- Chống viêm non-steroit: Diclofenac 0,1%; Ketorolac 0,5%; Suprofen 1%
- Chống viêm Steroit: Dexamethason 0,1%; Prednisolon 0,125% và 1%; Flourometholon 0,1%,…
- Điều trị giãn đồng tử có tác dụng giảm đau và chống dính trong viêm loét giác mạc nặng: Atropin 0,5%, 1%
- Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin A
- Điều trị kính tiếp xúc mềm

2.2. Điều trị ngoại khoa: Gây tê tại chỗ hoặc gây mê tùy tình trạng phối hợp của NB. Phẫu thuật ghép giác mạc cần gây mê
- Gọt giác mạc đơn thuần: bằng tay hoặc bằng Laser:
- Chỉ định: thoái hóa giác mạc dải băng, tổ chức viêm hoại tử nông giác mạc khó hàn gắn
- Chống chỉ định: Đang có phản ứng viêm cấp trong nội nhãn, biến dạng hoặc khuyết thiếu bờ mi nặng gây hở mi, nên tạo hình mi mắt trước khi ghép.
- Khâu giác mạc:
- Chỉ định: Rách giác mạc, rách lớp giác mạc
- Chống chỉ định: Không
- Cross-lingking:
- Chỉ định: bệnh giác mạc chóp
- Chống chỉ định: mắt đang có viêm
- Phẫu thuật ghép màng ối hoặc keo sinh học Fibrin điều trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu
- Chỉ định: Loét giác mạc dai dẳng, khó hàn gắn. Thủng giác mạc dưới 3mm, không hoại tử nhu mô nặng quanh vùng giác mạc thủng. Dính mi cầu, di chứng bỏng, hội chứng Stevens-Johnson, Pemphigoid, u bì kết giác mạc.
- Chống chỉ định: Đang có phản ứng viêm cấp trong nội nhãn, biến dạng hoặc khuyết thiếu bờ mi nặng gay hở mi, nên tạo hình mi mắt trước khi ghép.
- Phẫu thuật ghép giác mạc hoặc thay giác mạc nhân tạo
- Chỉ định:
- Loạn dưỡng giác mạc
- Thoái hóa giác mạc vùng trung tâm
- Sẹo, đục giác mạc do các nguyên nhân khác nhau
- Viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng, viêm loét giác mạc không đáp ứng với điều trị thuốc và có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn nhãn cầu
- Chấn thương thủng giác mạc
- Chống chỉ định: mắt đang có viêm màng bồ đào, Glocom
- Chỉ định:
- Khâu cò mi:
- Chỉ định: viêm loét giạc mạc trơ, khó hàn gắn không đáp ứng điều trị thuốc (Thông thường do: hở mi, khô mắt nặng, bệnh hệ thống, không nhiễm trùng tại mắt)
- Chống chỉ định chung:
- Kết quả XN không cho phép: Glucose huyết tương ≥ 200mg/dL (11 mmol/L), suy thận nặng, nhiễm trùng nặng,… Bệnh lý toàn thân không cho phép phẫu thuật.
3. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ
Các xét nghiệm thương quy: ECG, XQ tim phổi thẳng, Glucose máu, SGOT, SGPT, Creatinine máu, tổng phân tích nước tiểu, Thời gian máu chảy máu đông (TS-TC) hoặc Prothrombin (PT, TQ), tổng phân tích tế bào máu. XN vi sinh tại mắt (nếu cần):
- Đo thị lực, đo công suất giác mạc, siêu âm mắt, đo nhãn áp, đếm tế bào nội mô, đo bản đồ giác mạc.
- Giải thích cho người bệnh về lợi ích và nguy cơ, tai biến phẫu thuật.
- Bệnh nhân hoặc người nhà đồng ý và ký cam phẫu thuật.
- Khám tiền phẫu, chuyên khoa và duyệt mổ
- Bơm rửa lệ đạo
- Rửa mắt
- Đánh dấu mắt mổ
- Uống 1 viên Acetazolamide 0,25g và 01 viên Kaleorid 0,6g hoặc KCl 0,5g trước mổ 2 giờ ( nếu phẫu thuật ghép giác mạc, tăng nhãn áp).
- Đưa bệnh nhân vào Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.
Hướng dẫn NB trước mổ:
- Đến đúng giờ vào ngày hẹn.
- Tiếp tục sử dụng các thuốc nội khoa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa (Huyết áp, tiểu đường,…).
- Khi được hướng dẫn, dừng các thuốc chống đông (aspirin/làm tiêu cục máu) trước phẫu thuật. Các thuốc này có thể được dùng tiếp sau phẫu thuật.
- Không trang điểm mặt, mắt.
- Yêu cầu nhịn ăn và nhịn uống ít nhất 6 giờ trước phẫu thuật gây mê và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ gây mê.
- Có thể ăn nhẹ nếu gây tê tại chỗ, trừ khi có hướng dẫn khác.
- Chuẩn bị màng ối trước khi ghép
- Màng ối chuẩn bị ghép phải đảm bảo an toàn theo quy định của BYT
- Chuẩn bị giác mạc trước khi ghép
- Giác mạc chuẩn bị ghép phải đảm bảo an toàn theo quy định của BYT
4. Xử trí tai biến/biến chứng trong PT/TT
4.1. Phẫu thuật gọt giác mạc đơn thuần
- Thủng giác mạc khi gọt sâu: có thể dùng màng ối nhiều lớp hoặc ghép giác mạc nếu có nguyên liệu ghép
4.2. Phẫu thuật khâu giác mạc, ghép giác mạc
- Không tái tạo được tiền phòng. Do khâu dính mống mắt vào giác mạc, cần khâu lại. Do thủy tinh thể đục vỡ trương lên, cần lấy thủy tinh thể mới tái tạo được tiền phòng.
- Xuất huyết: do khâu vào tổ chức mống mắt, thể mi, hắc mạc. Xử trí: bởm Adrenalin đã pha loãng tỷ lệ 1/3 vào tiền phòng phối hợp với bóng hơi to vào tiền phòng. Nếu máu vẫn không cầm, đốt điện đông điểm chảy máu hoặc bơm chất nhày vào tiền phòng để cầm máu.
- Xuất huyết tống khứ: là biến chứng đáng sợ nhất, thường xảy ra khi nhãn cầu vỡ rộng, phòi kẹt nhiều tổ chức nội nhãn, cơ địa tăng nhãn áp. Phẫu thuật nếu được gây mê hạ HA thấp đến mức tối thiểu, khâu kính vết thương càng nhanh càng tốt, có thể không đúng bình diện do kẹt các tổ chức nội nhãn, các vấn đề này có thể xử trí thì sau.
4.3. Phẫu thuật Cross-Lingking
- Bỏng giác mạc: kiểm tra nồng độ dung dịch bóc biểu mô giác mạc trước khi sử dụng, kiểm tra năng lượng tia UV chuẩn.
4.4. Phẫu thuật ghép màng ối điều trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu
- Chảy máu nếu chạm vào tân mạch giác mạc: tra dung dịch adrenaline 1% để co mạch giảm chảy máu.
- Thủng giác mạc khi gọt sâu: có thể dùng màng ối nhiều lớp hoặc ghép giác mạc nếu có nguyên liệu ghép.
5. Theo dõi & xử lí tai biến/biến chứng sau PT/TT
5.1. Phẫu thuật khâu giác mạc, ghép giác mạc, ghép màng ối:
- Xuất huyết tiền phòng: điều trị tiêu máu, giãn đồng tử, hạ nhãn áp, uống nhiều nước, hạn chế vận động.
- Phù nề giác mạc: điều trị giảm phù nề bằng tra dung dịch ưu trương (nước muối 5% corticosteroid).
- Viêm màng bồ đào: chống viêm bằng kháng sinh và corticosteroid (trừ trường hợp nhiễm niềm), giãn đồng tử.
- Tăng nhãn áp: hạ nhãn áp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Xẹp tiền phòng: xử lý theo nguyên nhân:
- Nếu mép phẫu thuật kín: băng ép, uống nhiều nước.
- Nếu rò mép phẫu thuật: khâu lại mép phẫu thuật và tái tạo tiền phòng.
- Bong hắc mạc: tra Atropin 1% điều trị chống viêm, hạ nhãn áp. Nếu sau 1 tuần tiền phòng không tái tạo thì tháo dịch hắc mạc, tái tạo tiền phòng.
- Viêm mủ nội nhãn:
- Điều trị viêm nội nhãn tích cực: dùng kháng sinh tại chỗ và kháng sinh toàn thân ngay sau khi có chẩn đoán.
- Chọc hút dịch kính lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm khi có điều kiện.
- Chuyển tuyến trên
- Bong võng mạc: phẫu thuật bong võng mạc.
- Đọng dịch hoặc xuất huyết dưới mảng màng ối ghép: có thể chích tháo dịch, máu.
- Tuột chỉ, bong mảnh ghép màng ối: nếu bong 1 phần đặt kính tiếp xúc và theo dõi. Nếu bong rộng cần khâu cố định lại mảnh ghép.
- Nhiễm trùng mép phẫu thuật: nhiễm trùng chân chỉ: tăng cường thuốc kháng sinh và chống viêm tra tại mắt, có thể cắt nốt chỉ có nhiễm trùng.
- Lấy bệnh phẩm làm XN vi sinh tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng và điều trị thuốc theo nguyên nhân.
- Biến chứng thải ghép: nếu không đáp ứng với corticoid, có thể phẫu thuật ghép lại.
- Hoại tử viêm mảnh ghép: tìm nguyên nhân và điều trị viêm.
- Đục, tân mạch mảnh ghép: có thể làm giảm biến chứng này bằng cách tưới nước và rửa kỹ nền giác mạc ghép trong khi phẫu thuật.
- Các tiêu chí theo dõi sau phẫu thuật
- Chức năng của mắt: thị lực, nhãn áp
- Tình trạng mép phẫu thuật: kín, phẳng hay gồ lên, bị hở, nút chỉ khâu chặt hay lỏng, có áp xe chân chỉ hay không.
- Mảnh ghép: trong hay phủ mờ, có nhiễm trùng hay không.
- Tiền phòng: sâu hay nông, sạch hay có xuất huyết. xuất tiết, mủ,…
5.2. Phẫu thuật cắt u kết giác mạc: cần làm XN giải phẫu bệnh với khối u cắt bỏ.
5.3. Phẫu thuật Cross-Lingking
- Phù nhu mô tạm thời (lên đến 70%), mờ lóa: điều trị chống phù giác mạc như sau.
- Sẹo giác mạc và thâm nhiễm vô trùng
- Viêm giác mạc nhiễm trùng
- Viêm giác mạc lan tỏa Lamellar (DLK) ở bệnh nhân sau LASIK
Phần 3: Theo dõi sau ra viện
Xem bảng tại đây
1. Tiêu chuẩn xuất viện
- Tại mắt:
- Sau phẫu thuật vết mổ kín
- Giác mạc sau điều trị ổn định
- Kiểm soát được tình trạng đau
- Tiền phòng ổn định
- Nhãn áp ổn (sờ tay/đo)
- Toàn thân:
- NB tỉnh táo
- Sinh hiệu ổn
- Tổng kết số ngày điều trị
- Hoàn thành hồ sơ bệnh án
2. Hướng điều trị tiếp theo
- Thuốc điều trị nhiễm trùng: điều trị virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng theo từng nguyên nhân gây bệnh
- Thuốc chống viêm: có thể dùng đơn liệu hoặc phối hợp tùy tình trạng giác mạc.
- Thuốc co mạch, ổn định dưỡng bào
- Thuốc chống viêm Non-steroid
- Thuốc chống viêm Steroid (Chống chỉ định với nhiễm nấm)
- Thuốc ức chế miễn dịch
- Thuốc dinh dưỡng giác mạc: các loại nước mắt nhân tạo, tùy từng tổn thương mà sử dụng 1 hay nhiều dòng nước mắt nhân tạo phối hợp
- Huyết thanh tự thân: trong trường hợp tổn thương khó hàn gắn
- Chống phù giác mạc: điều trị giảm phù nề bằng tra dung dịch ưu trương (nước muối 5%, corticosteroid).
- Theo dõi độ bám của màng ối, quá trình biểu mô hóa giác mạc, độ sâu của tiền phòng.
- Cắt chỉ khi giạc mạc đã biểu mô hóa tốt
- Lịch khám lại:
- Thông thường có 3 thời điểm cần khám lại bệnh nhân sau phẫu thuật là: 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng, sau đó khám định kỳ tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ hẹn. Đối với những trường hợp có diễn biến bất thường, tái khám theo chỉ định của bác sĩ:
- 1 ngày: kiểm tra các biến chứng sớm sau phẫu thuật như vết phẫu thuật, tình trạng giác mạc, tình trạng thải ghép, phản ứng viêm. Đặc biệt lưu ý kiểm tra nhãn áp vì đây là biến chứng tương đối hay gặp (nhãn áp có thể cao do nhiều nguyên nhân hoặc thấp do hở mép phẫu thuật).
- 1 tuần: kiểm tra thị lực, nhãn áp, kiểm tra biến chứng sau phẫu thuật, tình trạng giác mạc, tình trạng thải ghép. Cần lưu ý rằng nhiễm trùng nội nhãn thường xuất hiện ở giai đoạn trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật và người bệnh cần khám lại cấp cứu nếu thấy đỏ mắt, đau nhức, ra dử/ghèn màu vàng hoặc giảm thị lực.
3. Giáo dục sức khỏe bệnh nhân
3.1. Sử dụng thuốc:
- Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Thuốc nhỏ mắt:
- Giữ thuốc nhỏ mắt đúng theo quy định.
- Trước khi sử dụng phải vệ sinh tay sạch sẽ, đảm bảo bông băng và thuốc rửa mắt vô trùng.
- Lắc đều chai thuốc nhỏ mắt trước khi dùng
- Cách nhỏ thuốc: nghiêng đầu ra sau, nhìn lên và kéo mi mắt dưới xuống rồi nhỏ 1 giọt vào mắt, tránh không để đầu chai thuốc tiếp xúc với lông mi. Đợi 5 phút trước khi nhỏ thêm 1 giọt khác.
3.2. Chế độ sinh hoạt:
- Những việc nên làm:
- Nằm nghỉ ngơi, đầu ngửa thẳng, không nên nằm đầu cao.
- Có thể đọc sách, báo và xem Tivi và tập thể dục nhẹ nhàng.
- Có thể đi ra ngoài nhưng cố gắng tránh nơi đông người và bụi bẩn.
- Đo khúc xạ lại sau 1 tháng.
- Những việc không nên làm:
- Không nâng vật nặng.
- Không cúi gập người ra trước.
- Không dụi tay chạm vào mắt mổ trong tháng đầu phẫu thuật.
- Tránh lắc đầu mạnh và tập thể thao như Yoga, chạy bộ,…
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu, bia.
- Cần tránh cử động mạnh như ho, táo bón, nôn ói nhiều, bế em bé,…
- Hạn chế sử dụng mắt để xem tivi, đọc sách trong tuần đầu tiên sau mổ.
- Sau 1 tháng các hoạt động sinh hoạt cá nhân có thể trở về như bình thường.
3.3. Chế độ vệ sinh mắt và đảm bảo an toan mắt:
- Vệ sinh mắt
- Tránh những nơi đông người và môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Không đi bơi, không để nước vào mắt khi gội đầu cho đến khi ổn định.
- Rửa mặt bằng khăn ướt.
- Mang kính bảo hộ hay kính râm để hạn chế bụi bậm.
- Tránh những nơi đông người và môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Đảm bảo an toàn mắt:
- Đeo kính bảo vệ mắt trong tuần đầu sau mổ.
- Dùng kính râm khi đi ra ngoài.
- Đặt tấm chắn che mắt khi ngủ ít nhất trong vòng 1 tuần để tránh đụng chạm vào mắt.
3.4. Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn thức ăn nhẹ, nhiều rau và trái cây hoặc uống sữa, tránh ăn thức ăn quá cứng và dai.
- Không ăn các chất gây kích thích trong tháng đầu sau phẫu thuật.
3.5. Tái khám:
- Tái khám theo định kỳ: 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau mổ.
- Tái khám ngay nếu có dấu hiệu:
- Đau mà không đỡ sau khi dùng thuốc
- Sưng nề mi mắt.
- Thị lực kém đi.
- Chảy dịch nhiều ghèn ở mắt phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành nhãn khoa (ban hành kèm theo Quyết định số 3906/ QĐ- BYT ngày 12 tháng 10 năm 2012 của bộ trưởng Bộ Y tế)
- Bệnh học của mi mắt, kết mạc và giác mạc- Giáo trình khoa học cơ sở và lâm sàng tập 8 (1995-1996 Hội nhãn khoa Mỹ, người dịch: Bs Nguyễn Đức Anh). Tổ chức phẫu thuật mắt tình nguyện quốc tế Volunteer Eye Surgeons International, LDT. 375 East Main Street-Suite 24/ Bay Shore, New York 11706-8470).
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt (ban hành kèm quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015)
- https://eyewiki.aao.org/Corneal_Collagen_Cross-Linking
Những quy trình chuyên môn liên quan
- Quy trình: Đo thị lực, đo khúc xạ, đo K giác mạc, chỉnh kính (QT điều dưỡng mắt)
- Quy trình đo nhãn áp (QT điều dưỡng mắt)
- Quy trình Khám sinh hiển vi
- Quy trình siêu âm mắt
- Xét nghiệm cận lâm sàng khác (nếu cần chỉ định): Quy trình chụp OCT bán phần trước, chụp bản đồ giác mạc, đo độ dày giác mạc, đo công suất giác mạc…
- Quy trình bơm rửa lệ đạo (QT điều dưỡng mắt)
- Quy trình phẫu thuật ghép màng ối điều trị loét, thủng giác mạc
- Quy trình phẫu thuật ghép màng ối điều trị dính mi cầu
- Quy trình ghép giác mạc xuyên
- Quy trình tiêm cạnh nhãn cầu
- Quy trình tiêm dưới kết mạc
- Hướng dẫn xử trí bỏng mắt
Từ viết tắt:
- NB: người bệnh
- QT: quy trình
- BYT: Bộ y tế
- TTT: thủy tinh thể
- Thị lực ST (+/-): thị lực sáng tối dương tính hoặc âm tính
- Thị lực 10/10: thị lực theo thập phân tương đương với thị lực 20/20 ở bảng Snelen
- OCT: chụp cắt lớp quang học
- Siêu âm A: đo trục nhãn cầu
- Siêu âm B: siêu âm mắt thường quy dịch kính, võng mạc
- LASIK: phẫu thuật dùng laser để loại bỏ khúc xạ trên giác mạc
Phụ lục 1. Checklist chẩn đoán và điều trị tổn thương giác mạc Hướng dẫn: Tiêu chuẩn: Mỗi HSBA được đánh giá là Đạt theo checklist phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây: Những tiêu chí có đánh dấu *: là tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt trong quá trình đánh giá (nếu chỉ cần 1 trong những tiêu chí có dấu * không đạt thì coi như HSBA đó là không đạt). Đảm bảo về số lượng những tiêu chí còn lại (không có dấu sao) đạt 90%. Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản. Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có. Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr được liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.