Chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng siêu âm tim
Mục tiêu chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng siêu âm tim là đánh giá tính ứng dụng của siêu âm tim qua lồng ngực trong chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (IE) nhằm tạo cơ sở cho việc điều trị IE tốt hơn.
Tác giả: Bác sĩ (BS) Yuan, Xin-chun; BS Liu, Ming; BS Hu, Jia; BS Zeng, Xi; BS Zhou, Ai-yun; BS Chen, L
Biên tập viên: Mistiaen., Wilhelm
Đơn vị công tác
a Khoa Siêu âm
b Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Số 1 Trực thuộc Đại học Nam Xương, Nam Xương, Trung Quốc.
∗ Địa chỉ thư tín: Xin-Chun Yuan, Khoa Siêu âm, Bệnh viện Số 1 Trực thuộc Đại học Nam Xương
Tóm tắt chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng siêu âm tim
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tính ứng dụng của siêu âm tim qua lồng ngực trong chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (IE) nhằm tạo cơ sở cho việc điều trị IE tốt hơn. Từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 10 năm 2018, 87 bệnh nhân có chẩn đoán IE liên tiếp tại bệnh viện đã được lựa chọn cho nghiên cứu này. Tất cả các bệnh nhân đều được siêu âm tim qua lồng ngực. Hình thái, cấu trúc, hoạt động và hoạt động đóng van của các van tim của bệnh nhân đã được quan sát để xác định tổn thương sùi van đồng thời xác định kích thước, số lượng, vị trí, hình thái và tính chất hồi âm của tổn thương sùi cũng như mức độ tổn thương van.
87 bệnh nhân được đánh giá trong nghiên cứu này bao gồm 38 trường hợp bệnh tim bẩm sinh, 27 trường hợp bệnh van tim không do thấp, 12 bệnh nhân đã phẫu thuật van tim, 5 trường hợp bệnh van tim do thấp và 5 bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh tim xác định. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là tiếng thổi tim trong 80 trường hợp và sốt trong 60 trường hợp. Các biến chứng thường gặp nhất là suy tim trong 35 trường hợp, sau đó là thuyên tắc mạch tạng trong 12 trường hợp. Có 36 trường hợp cấy máu dương tính, trong đó có 26 trường hợp cầu khuẩn Gram dương và 10 trường hợp trực khuẩn Gram âm.
Siêu âm tim cho thấy tổn thương van động mạch chủ trong 37 trường hợp, tổn thương van hai lá trong 34 trường hợp, tổn thương van ba lá trong 10 trường hợp, tổn thương van động mạch phổi trong 2 trường hợp và tổn thương van nhân tạo trong 5 trường hợp. 26 trường hợp có tổn thương nhiều van, và 20 bệnh nhân có các biến chứng nghiêm trọng. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa siêu âm tim và quan sát trực tiếp khi phẫu thuật về độ chính xác của 2 biện pháp này trong việc xác định kích thước, số lượng và vị trí của tổn thương sùi ở 69 bệnh nhân đã phẫu thuật (P >0,05). Siêu âm tim có thể phát hiện sự xuất hiện của các biến chứng nghiệm trọng, cụ thể là đứt dây chằng van, sa van, thủng van và áp xe quanh van, và không có sự khác biệt có ý nghĩa thông kê giữa siêu âm tim và quan sát khi phẫu thuật về độ chính xác chẩn đoán (P >0,05).
Siêu âm tim qua lồng ngực có thể phát hiện nhanh chóng và chính xác tổn thương sùi và các biến chứng do IE, đồng thời có giá trị lâm sàng quan trọng để định hướng điều trị và xác định tiên lượng.
Bài viết được đăng tải trên tạp chí Medicine, tập 98, số 38 vào tháng 9 năm 2019.