Chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Tuy rằng bệnh không gây nguy hiểm tức thì đến tính mạng nhưng lại gây nhiều biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Do đó, đưa ra chẩn đoán điều dưỡng người bệnh tăng huyết áp là hết sức cần thiết.
1. Chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp là gì và có mục đích gì?
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến thường gặp. Bệnh nhân có thể mắc bệnh tăng huyết áp trong nhiều năm liền mà không hay biết bởi vì căn bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng cụ thể. Tăng huyết áp có thể tiến triển âm thầm trong thời gian dài và ngày càng trở nặng nếu người bệnh không được điều trị và chăm sóc tốt. Và từ đó có thể dẫn tới nguy cơ biến chứng hoặc thậm chí là tử vong do tai biến trong quá trình điều trị hoặc do biến chứng nặng nề của bệnh.
Chẩn đoán điều dưỡng về bệnh tăng huyết áp là phát hiện ra những triệu chứng bất thường của người bệnh về căn bệnh tăng huyết áp, bất thường khi sử dụng thuốc hay nguy cơ biến chứng của căn bệnh tăng huyết áp từ sớm nhằm mục đích sau cùng là đưa ra được phương hướng xử trí kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Chẩn đoán điều dưỡng và lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp theo mẫu khi nhận bệnh nhân
2. Nội dung của chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp
Dưới đây là một số nội dung trọng yếu khi chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp
2.1. Nhận định khi chẩn đoán điều dưỡng tăng huyết áp
- Đo huyết áp đúng kỹ thuật
- Nhận định về tinh thần, môi trường sống, kinh tế, văn hóa, xã hội,..liên quan đến người bệnh
- Xác định tăng huyết áp nguyên phát hay thứ phát thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng.
2.2. Chẩn đoán điều dưỡng bệnh tăng huyết áp
- Nguy cơ bị biến chứng
- Do hậu quả của biến chứng tăng huyết áp gây thiếu hụt một số chức năng quan trọng trong cơ thể
- Khó chịu do tác dụng phụ của thuốc điều trị
- Nguy cơ người bệnh không tuân thủ điều trị
2.3. Kế hoạch chăm sóc người bệnh tăng huyết áp
- Hạn chế tối đa các biến chứng
- Cải thiện được những thiếu hụt chức năng do tăng huyết áp gây ra
- Giảm được triệu chứng khó chịu do tác dụng phụ của thuốc
- Người bệnh tuân thủ theo chế độ điều trị
2.4. Thực hiện chăm sóc cho người bệnh tăng huyết áp
Phòng ngừa các biến chứng của căn bệnh tăng huyết áp
- Thực hiện nghiêm túc y lệnh, theo dõi huyết áp trước và sau khi dùng thuốc, kịp thời báo cáo nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc
- Theo dõi liên tục cả về lâm sàng và cận lâm sàng ( X-quang, điện tim, siêu âm tim, soi đáy mắt, xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu)
Cải thiện thiếu hụt chức năng do hậu quả của tăng huyết áp: Tùy theo các thiếu hụt do các tổn thương của tăng huyết áp gây ra mà đưa ra chẩn đoán điều dưỡng người bệnh tăng huyết áp và lên kế hoạch cụ thể như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não
Hạn chế các triệu chứng khó chịu xảy ra do tác dụng phụ của thuốc
- Giải thích cho bệnh nhân yên tâm khi gặp phải những tác dụng phụ
- Một vài loại thuốc làm giảm huyết áp ở tư thế đứng, do đó khuyên bệnh nhân thay đổi tư thế từ từ ( nằm – ngồi – đứng – đi)
- Một vài loại thuốc gây táo bón, vì thế khuyên bệnh nhân nên ăn nhiều rau quả kết hợp với vận động thể dục nhẹ nhàng.
Gia tăng sự hiểu biết cho người bệnh tăng huyết áp
- Giải thích tăng huyết áp là gì và các biến chứng
- Hướng dẫn cho người bệnh thay đổi lối sống gồm giảm cân, thừa chế độ ăn, hạn chế đồ uống có cồn và ngừng hút thuốc lá
- Thuyết phục người bệnh khám sức khỏe định kỳ sau khi ra viện, hướng dẫn họ tự đo huyết áp và tự theo dõi huyết áp tại nhà.
Tăng huyết áp là bệnh lý cần được thăm khám và điều trị kịp thời
2.5. Bệnh án điều dưỡng tăng huyết áp
Bệnh án điều dưỡng tăng huyết áp gồm những nội dung gì?
- Phần hành chính: Họ tên bệnh nhân, tuổi, giới, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày giờ vào viện, ngày giờ làm bệnh án, chẩn đoán
- Bệnh sử: Quá trình diễn biến bệnh
- Tiền sử: Những bệnh lý đã mắc trước đó của bản thân, gia đình
- Khám bệnh: khám toàn thân và khám cơ quan ( tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận tiết niệu,…)
- Cận lâm sàng: Các kết quả xét nghiệm đã có
- Tóm tắt bệnh án
- Quy trình điều dưỡng: Thời gian, chẩn đoán điều dưỡng tăng huyết áp, lập kế hoạch chăm sóc, thực hiện chăm sóc.
3. Những điểm cần lưu ý
Nguyên tắc chung khi đưa ra chẩn đoán điều dưỡng người bệnh tăng huyết áp như sau:
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính, tình trạng của bệnh có thể nặng dần theo thời gian, để lại những biến chứng đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi đưa ra chẩn đoán điều dưỡng về bệnh tăng huyết áp, lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, người nhà cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa đang điều trị cho người bệnh để nắm rõ tình trạng của người bệnh. Từ đó kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm thiểu được những biến chứng của bệnh trong thời gian dài hơn. Đặc biệt, người bệnh cần giữ tinh thần luôn ổn định, vui vẻ và tích cực, môi trường sống thoải mái, ít biến động cả về thể chất lẫn tâm lý.
Điều trị căn bệnh tăng huyết áp cần đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực không ngừng từ phía người bệnh. Để gia tăng hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng nặng nề thì điều quan trọng là người nhà bệnh nhân cần có hiểu biết về kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cụ thể, chi tiết để duy trì môi trường sống tốt cho người bệnh.
Nguồn tham khảo:
- Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp như thế nào?
Chăm sóc bệnh nhân bị tăng huyết áp