Chẩn đoán các cơn đau thắt ngực như thế nào?
Việc chẩn đoán các cơn đau thắt ngực từ sớm để điều trị là rất quan trọng để ngăn chặn quá trình bệnh cơ bản tiến triển thành cơn đau tim hoặc đột quỵ thực sự. Trong đó, quá trình chẩn đoán đau thắt ngực bao gồm đặt câu hỏi về tiền sử của bệnh nhân, mô tả cơn đau, khám sức khỏe cũng như thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ.
1. Các biện pháp chẩn đoán đau thắt ngực?
Nội dung bài viết
Để chẩn đoán đau thắt ngực, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và chỉ định người bệnh thực hiện một số hiện pháp kỹ thuật như sau:
1.1 Khai thác tiền sử bệnh
Khai thác tiền sử bệnh về các cơn đau tương tự từng xảy ra hay các bệnh lý mạn tính đã biết như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn cholesterol, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu, … ở bệnh nhân là rất cần thiết, vì đây là những yếu tố nguy cơ quan trọng hình thành các cơn đau thắt ngực. Hơn nữa, nếu người bệnh đã có một người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh tim, đột quỵ não hoặc đau thắt ngực, cũng là một tiền sử đáng lưu ý.
1.2 Mô tả các đặc điểm của cơn đau thắt ngực
Các đặc điểm của đau thắt ngực thường được mô tả là cảm giác đau ngực và khó chịu, cảm giác nóng rát, bị đè, ép, hoặc đầy căng trong lồng ngực. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm, sang cánh tay, vai hoặc lưng. Các triệu chứng khác mà người bệnh cũng có thể gặp phải khi bị đau thắt ngực như buồn nôn, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi, toát mồ hôi. Các triệu chứng này cần được bác sĩ đánh giá ngay lập tức nhằm xác định là đau thắt ngực ổn định hay đau thắt ngực không ổn định, có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn đau tim. Đau thắt ngực ổn định:
- Xuất hiện khi tim phải tăng co bóp, chẳng hạn như khi leo cầu thang hoặc tập thể dục
- Thường có thể dự đoán được và cơn đau thường tương tự như các loại đau ngực trước đây đã từng gặp
- Tình trạng đau ngực kéo dài trong một thời gian ngắn, có thể là năm phút hoặc ít hơn
- Biến mất sớm hơn nếu người bệnh sử dụng thuốc điều trị đau thắt ngực hoặc nghỉ ngơi
- Xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi
- Xuất hiện ra đột ngột
- Có sự khác biệt với các cơn đau thắt ngực thông thường
- Thường có mức độ nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn cơn đau thắt ngực ổn định, có thể 30 phút hoặc lâu hơn
- Có thể không biến mất khi sử dụng thuốc đau thắt ngực hoặc nghỉ ngơi
- Có thể báo hiệu một cơn đau tim
XEM THÊM: Chẩn đoán đau thắt ngực bằng chụp CT tưới máu cơ tim
1.3. Thăm khám lâm sàng
Nếu người bệnh đi khám vì cơn đau thắt ngực mới khởi phát, chưa gây biến chứng thì việc thăm khám có thể không phát hiện được đặc điểm gì bất thường. Ngược lại, khi các cơn đau thắt ngực gây biến chứng nhồi máu cơ tim, suy tim việc thăm khám có thể phát hiện âm thổi ở tim, mạch nhanh, phù chân, gan to, ran phổi, tĩnh mạch cổ nổi, chi mát… Ngoài ra, các thăm khám sức khỏe tổng quát bao gồm đánh giá cân nặng, kích thước vòng eo, chiều cao để đánh giá chỉ số khối cơ thể – BMI theo cân nặng, đo huyết áp có thể phát hiện huyết áp cao và các đặc điểm của cholesterol trong máu cao như u vàng trên mi mắt hoặc cảm giác sờ cứng của động mạch ở cổ tay, v.v.
1.4. Chỉ định cận lâm sàng
Ngoài các thăm khám lâm sàng, các bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh như sau:
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu tổng quát được thực hiện thường quy để phát hiện tình trạng thiếu máu (có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực), glucose và cholesterol trong máu cũng như các chức năng gan và thận.
Điện tâm đồ: Đây là một bản ghi về nhịp và cách hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này không xâm lấn, không gây đau đớn, bởi chỉ cần các điện cực hoặc miếng dán nhỏ trên thành ngực bệnh nhân và hoạt động điện của tim được ghi lại trên một băng giấy dài. Bằng cách phân tích các sóng điện tim P, Q, R, S, T và U, bác sĩ có thể phát hiện ra sự thiếu máu cục bộ của cơ tim ở bệnh nhân đau thắt ngực.
Siêu âm tim: Siêu âm tim có thể được yêu cầu để đánh giá chức năng tim, phát hiện bệnh cơ tim hoặc bệnh van tim là nguyên nhân gây đau thắt ngực.
Bài kiểm tra khả năng gắng sức: Bằng cách mô phỏng gắng sức thông qua việc đạp xe đạp tập thể dục hay chạy bộ tại chỗ, những biến đổi trên điện tim hay siêu âm tim sẽ gợi ý nguyên nhân cơn đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ.
Chụp mạch vành: Đây là một xét nghiệm xâm lấn, yêu cầu người bệnh phải nằm viện ít nhất một ngày và là tiêu chuẩn vàng cho các bệnh lý tại mạch vành tim. Một ống thông mềm mỏng được luồn vào động mạch ở bẹn hoặc ở cánh tay dưới hướng dẫn của tia X. Khi đã vào tới vị trí lỗ xuất phát của động mạch vành tại động mạch chủ, thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào để làm nổi bật các nhánh mạch máu nuôi tim. Các phim chụp và chiếu tia X lặp đi lặp lại cho thấy vị trí và mức độ tắc nghẽn động mạch vành. Ngoài các kỹ thuật trên, các xét nghiệm hình ảnh học khác cũng có thể được chỉ định, bao gồm chụp cắt lớp vi tính nhiều lát cắt, cộng hưởng từ tăng cường độ tương phản cho thấy chức năng tim cũng như phát hiện khu vực động mạch bị vôi hóa hoặc chai cứng dẫn đến các triệu chứng đau thắt ngực.
1.5. Chẩn đoán đau thắt ngực khẩn cấp
Đối với bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, điều trị là một yêu cầu thực hiện như một tình trạng cấp cứu y tế. Lúc này, một băng điện tâm đồ là yêu cầu cần phải có trong vòng vài phút đầu khi bệnh nhân nhập viện nếu tình trạng huyết động vẫn còn ổn định. Sau đó, các xét nghiệm máu về men tim như nồng độ troponin I và T cũng được kiểm tra để tìm kiếm sự tổn thương cơ tim nếu có. Thậm chí, ngay khi chưa cần có kết quả của xét nghiệm máu, chụp động mạch vành cũng có thể được thực hiện để đánh giá kích thước và vị trí tắc nghẽn; từ đó can thiệp tái thông kịp thời, nhất là trên bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như có tình trạng hẹp động mạch vành đã biết từ trước.
2. Các tiêu chuẩn chẩn đoán đau thắt ngực
Các triệu chứng đau thắt ngực cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cần loại trừ những điều này để chẩn đoán chính xác, bao gồm:
- Khó tiêu
- Rối loạn trào ngược dạ dày – thực quản
- Cơn đau tim do nhồi máu cơ tim cấp tính
- Viêm màng ngoài tim cấp tính
- Đau cơ thành ngực
- Đau do màng phổi
- Viêm màng phổi
- Bóc tách động mạch chủ
- Thuyên tắc phổi
- Sỏi mật
- Viêm túi mật cấp tính
Tóm lại, đau thắt ngực không phải là một cơn đau tim nhưng là một dấu hiệu tăng nguy cơ dẫn đến cơn đau tim thực sự do nhồi máu cơ tim. Ngoài việc khai thác các đặc điểm lâm sàng, nhất là mô tả đặc điểm cơn đau, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán tình trạng đau ngực. Từ đó, các biện pháp điều trị sẽ được đặt ra và theo dõi hiệu quả điều trị, dự phòng các biến cố mạch vành trong tương lai. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý tim mạch. Vì thế, người bệnh có biểu hiện hoặc có các các cơn đau thắt ngực cần sớm đến các trung tâm Tim mạch lớn như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, sàng lọc và điều trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bản quyền và thương hiệu: Thông tin và hình ảnh trên website thuộc quyền sở hữu của Vinmecdr. Việc sao chép, sử dụng phải được Vinmecdr chấp thuận trước bằng văn bản.
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả những tư liệu được cung cấp trên website này đều mang tính tham khảo. Do đó, nội dung và hình ảnh sẽ được thay đổi, cập nhật và cải tiến thường xuyên mà không phải thông báo trước. Vinmecdr không bảo đảm về độ chính xác cũng như sự hoàn thiện về thông tin. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho những thiệt hại xuất hiện trực tiếp hay gián tiếp từ việc sử dụng hoặc hành động dựa theo những thông tin trên hoặc một số thông tin xuất hiện trên website này. Vinmecdr không chịu trách nhiệm pháp lý về những sai sót, lỗi chính tả… do nhập liệu cùng với những sự cố khách quan khác như: nhiễm virus, hành vi phá hoại, ác ý… xảy ra trên website này cũng như các website liên kết, nếu có.
Đường link liên kết Vinmecdr sẽ không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào về nội dung của những website không thuộc Vinmecdr đựợc liên kết với website www.vinmecdr.com, bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và những mặt hàng khác được giới thiệu thông qua những website đó.