Cấp cứu tình trạng ngưng tim ở bệnh nhân nam 47 tuổi sau uống bia và rượu mạnh
Bệnh nhân nam, 47 tuổi (Đài Loan) có tiền căn tăng huyết áp; sau khi uống bia và rượu mạnh, bệnh nhân đột ngột đau ngực, vã mồ hôi, khó thở và ngưng tim (2 lần vào rung thất). Bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã kịp thời can thiệp mạch vành nhanh chóng theo tiêu chuẩn của ACC/AHA. Bệnh nhân đã nhanh chóng bình phục và xuất viện sau 3 ngày.
1. Tóm tắt ca bệnh
Nội dung bài viết
Bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Đài Loan, có tiền căn tăng huyết áp. Sau khi uống bia và rượu mạnh, bệnh nhân đột ngột đau ngực, vã mồ hôi, khó thở và ngưng tim (2 lần vào rung thất). Bệnh nhân nhanh chóng được kích hoạt báo động đội cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn (code BLUE), bệnh nhân đã được hồi sinh tim phổi thành công. Sau đó, bệnh nhân được đo điện tim với ghi nhận nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên thành trước rộng giờ thứ 1.
Bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt đội can thiệp mạnh vành cấp cứu (code STEMI) và bệnh nhân đã được can thiệp mạch vành cấp cứu đặt 1 stent LAD với thời gian cửa bóng (D2B) là 62 phút. Mặc dù nhập viện trong tình trạng rất nặng, đã 2 lần ngưng tim nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng giữa các chuyên khoa (Cấp cứu, tim mạch, phòng mổ, ICU), áp dụng tốt các chương trình phối hợp cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, can thiệp tim mạch cấp cứu (code BLUE, code STEMI).
Bệnh nhân đã được cứu sống, được can thiệp mạnh vành nhanh chóng trong thời gian qui định theo tiêu chuẩn của ACC/AHA (tiêu chuẩn của trường môn/hội tim mạch Hoa Kỳ). Sức khỏe bệnh nhân đã nhanh chóng bình phục và được xuất viện chỉ sau 3 ngày nhập viện. Hiện tại, bệnh nhân đã trở về với cuộc sống bình thường với sức khỏe như trước khi bị biến cố.
2. Bàn luận
Bệnh nhân có tiền căn: tăng huyết áp đến khoa cấp cứu Bệnh viện Vinmec Central Park. Tối ngày nhập viện, bệnh nhân uống bia kèm rượu mạnh. Cách nhập viện 30 phút, bệnh nhân đột ngột đau ngực, vã mồ hôi, cảm giác khó thở nên nhập vào khoa cấp cứu bệnh viện Vinmec Central Park.
Khi đến bệnh viện Vinmec central Park, vừa nằm xuống giường cấp cứu được khoảng vài giây thì bệnh nhân đột ngột gồng người, ngưng thở, tím tái, kiểm tra mạch cảnh không bắt được (ngưng tim).
Bác sĩ cấp cứu đã ngay lập tức kích hoạt đội cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn (code BLUE- đội gồm 6 bác sĩ và điều dưỡng đã được đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ về hồi sinh tim phổi nâng cao (ACLS) của Hội Tim mạch Hoa Kì): bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua mask, gắn ECG/monitor: ghi nhận rung thất và bác sĩ đã nhanh chóng sốc điện phá rung 200J để chuyển rung thất về nhịp tim bình thường.
Sau 30 giây ngưng tim, với những xử trí của đội code BLUE, bệnh nhân đã tỉnh trở lại, niêm hồng, với sinh hiệu: mạch 100 nhịp/phút, huyết áp 176/98 mmHg, nhịp thở: 24 lần/phút, Spo2: 98%/ thở oxy ẩm qua sonde mũi 5 l/phút. Bác sĩ khám thì ghi nhận tiếng tim đều rõ, không âm bệnh lí, mạch quay đều, rõ, không tím môi, không khó thở, không co kéo cơ hô hấp phụ, SpO2 98%/ thở oxy ẩm qua sonde mũi 5 l/phút, phổi trong, không ran, bụng mềm.
Bác sĩ cấp cứu có thực hiệu siêu âm có trọng điểm tại giường (POCUS) thì ghi nhận: phổi 2 bên không có hình ảnh B line. Tim co bóp bảo tồn, tĩnh mạch chủ dưới (IVC) 2cm, IVC không thay đổi theo hô hấp. Điện tim 12 chuyển đạo ghi nhận có nhịp xoang nhanh 100 lần/phút, ST chênh lên từ V1 đến V5: gợi ý bệnh nhân đang có nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng (hình ảnh đính kèm bên dưới).
Hình ảnh điện tim sau khi bệnh nhân được hồi sinh tim phổi thành công lần 1 (Nguồn ảnh: Vinmec)
Hình ảnh điện tim này đã chỉ ra bệnh nhân đã bị tắc cấp tính một nhánh mạch vành lớn. Bệnh nhân đang trong giờ vàng, bệnh nhân cần được can thiệp động mạch mạch vành cấp cứu để tái thông động mạch vành thủ phạm và đặt stent động mạch vành. Thời gian để can thiệp mạch vành là cực kì quan trọng, càng rút ngắn thời gian thì bệnh nhân càng có tỷ lệ sống sót cao và càng giảm được di chứng tổn thương cơ tim, suy tim về sau.
Chính vì thế, bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt đội cấp cứu mạch vành (đội code STEMI). Thành viên đội code STEMI gồm khoa cấp cứu, bác sĩ can thiệp tim mạch, phòng mổ; khoa hồi sức tích cực (ICU); ban lãnh đạo bệnh viện. Mục tiêu kích hoạt code STEMI để đảm bảo tất cả các thành viên có thể nhanh chóng nắm thông tin, chuẩn bị sẵn sàng phối hợp can thiệp mạch vành, xử trí sau can thiệp, cũng như ban lãnh đạo có thể nhanh chóng phê duyệt những vấn đề phát sinh về thủ tục, nhân lực cũng như tài chính.
Ngoài vấn đề kích hoạt code STEMI, bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu cũng đã nhanh chóng cho bệnh nhân sử dụng những thuốc liên quan đến vấn đề nhồi máu cơ tim như: Aspirin, Ticagrelor, Rosuvastatin, Esomeprazole, Enoxaparin,…đội code BLUE lúc này vẫn trong tư thế sẵn sàng ép tim, sốc điện,… vì bệnh nhân có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, bác sĩ cấp cứu, bác sĩ tim mạch can thiệp đã cùng giải thích cho bệnh nhân, bạn bệnh nhân, gọi điện thoại cho vợ bệnh nhân hiểu về chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu, biến chứng có thể; chi phí; tiên lượng,…
Trước khi chuẩn bị chuyển phòng mổ để can thiệp mạch vành thì vào lúc 21h22: bệnh nhân đột ngột ngưng tim lần 2 (ECG/monitoring: rung thất). Đội code BLUE lúc này đã sẵn sàng thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua mask với oxy 100%, nhanh chóng sốc điện phá rung 200J và thực hiện thêm thuốc điều trị cho bệnh nhân. Sau khoảng 2 phút (21h17): bệnh nhân đã có tim đập trở lại, tỉnh, sinh hiệu ổn.
Bệnh nhân đã được nhanh chóng chuyển phòng mổ để thực hiện can thiệp mạch vành lúc 21h30 (sau 27 phút tính từ lúc nhập vào cấp cứu) với chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên thành trước rộng giờ thứ 1 có biến chứng rung thất (2 lần) đã hồi sinh tim phổi thành công/ tăng huyết áp. Tại phòng mổ (phòng Cathlab): bệnh nhân được chụp mạch vành với ghi nhận bị tắc động mạch liên thất trước (LAD). Bệnh nhân được tái thông động mạch vành và can thiệp đặt stent thành công.
Tổng thời gian từ khi bệnh nhân nhập vào khoa cấp cứu đến khi tái thông động mạch vành thành công (D2B) là 62 phút. Với bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, có biến chứng ngưng tim 2 lần thì thời gian D2B đạt 62 phút là đạt theo tiêu chuẩn của hội tim mạch Hoa Kì và trường môn tim mạch Hoa Kì (AHA/ACC).
Hình ảnh động mạch vành trước và sau khi tái thông (Nguồn ảnh: Vinmec)
Sau can thiệp mạch vành, bệnh nhân được chuyển khoa hồi sức tích cực điều trị 1 ngày, sau đó chuyển khoa nội tim mạch điều trị. Sau 3 ngày nằm viện thì bệnh nhân đã được cho xuất viện trong tình trạng tỉnh, sinh hiệu ổn, không đau ngực
Hiên tại, bệnh nhân vẫn tiếp tục tái khám, theo dõi định kì tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Vinmec Central Park, tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định, chức năng co bóp cơ tim hoàn toàn bình thường trên siêu âm. Bệnh nhân hiện có thể sinh hoạt, tập thể dục, làm việc như những người khỏe mạnh cùng độ tuổi.
Tiêu chuẩn thời gian cửa bóng (Door-to-Balloon (D2B)) của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) là một tiêu chuẩn rất quan trọng trong việc can thiệp mạch vành cấp cứu đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên. Việc đạt thời gian theo tiêu chuẩn D2B đem lại nhiều lợi ích đáng kể đối với bệnh nhân như:
- Giảm tỷ lệ tử vong: Một trong những lợi ích chính của can thiệp mạch vành sớm là giảm tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.
- Giảm tổn thương cơ tim: Khi mạch máu bị tắc nghẽn, cung cấp máu và oxy đến một phần của cơ tim bị gián đoạn, gây ra tổn thương cho cơ tim. Bằng cách can thiệp mạch vành sớm, mạch máu bị tắc nghẽn sẽ được tái thông, giúp khôi phục cung cấp máu và oxy đầy đủ cho cơ tim và giảm tổn thương cơ tim.
- Cải thiện chức năng cơ tim: Khi mạch máu được khôi phục, cơ tim nhận được lưu lượng máu và oxy tốt hơn, làm tăng khả năng tim bơm máu hiệu quả, giúp cơ tim phục hồi nhanh chóng và cải thiện chức năng bơm máu, giảm nguy cơ suy tim về sau.
Để đạt được mục tiêu thời gian D2B, đòi hỏi bệnh viện cũng như cá nhân các nhân viên y tế rất nhiều yếu tố như:
- Thời gian phản ứng của hệ thống y tế: Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc đạt được tiêu chuẩn D2B là thời gian phản ứng của hệ thống y tế. Khi một bệnh nhân STEMI đến cấp cứu, quy trình tiếp nhận và chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp mạch vành phải được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong hệ thống y tế như khoa cấp cứu, khoa tim mạch, phòng mổ, khoa hồi sức,…
- Quy trình chuẩn hóa: Một số khó khăn khác trong việc đạt được tiêu chuẩn D2B là sự chuẩn hóa quy trình làm việc. Các bộ phận trong bệnh viện cần thiết lập quy trình rõ ràng và hiệu quả để đảm bảo rằng các bước cần thiết, từ tiếp nhận bệnh nhân đến can thiệp mạch vành, được thực hiện một cách nhất quán và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ phận và đội ngũ y tế, đảm bảo mọi quy trình được tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn của ACC.
- Khả năng nhận diện và chẩn đoán nhanh chóng: Để đạt được tiêu chuẩn D2B, việc nhận diện và chẩn đoán bệnh nhân STEMI càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén của các nhân viên y tế tiếp nhận người bệnh.
- Trình độ can thiệp mạch vành chuyên sâu, nhanh chóng của các chuyên gia tim mạch, sự chuyên nghiệp của đội ngũ gây mê hồi sức, hồi sức tích cực,…
Bệnh viện Vinmec Central Park và bệnh viện Vinmec Times City là 2 bệnh viện tại khu vực châu Á đạt chứng chỉ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) về can thiệp động mạch vành và quản lý suy tim. Việc chinh phục được các tiêu chuẩn khắt khe và uy tín hàng đầu thế giới không chỉ đem lại chất lượng điều trị cao cho người bệnh tại Vinmec mà còn đưa Hệ thống y tế tư nhân hàng đầu Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành Trung tâm Xuất sắc (COE) về Tim mạch ngang tầm quốc tế.