Bệnh lý Y khoa nguy cơ cao đến sự thành công của Implant
Bài viết nói về các bệnh lý toàn thân/Y khoa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phẫu thuật và duy trì Implant trên bệnh nhân. Nắm được các lưu ý và ảnh hưởng của nguy cơ sức khoẻ này, Nha sĩ có thể giảm thiểu thất bại trong mỗi ca lâm sàng Implant nha khoa của mình. Cùng tìm hiểu.
1. Bệnh lý toàn thân/Y khoa nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự thành công của Implant
Nội dung bài viết
Viêm khớp dạng thấp
Một số nghiên cứu hồi cứu về kết quả cấy ghép nha khoa ở bệnh nhân nữ bị viêm khớp dạng thấp tự miễn có hoặc không có kèm theo bệnh lý mô liên kết đã kết luận rằng những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp được dự đoán là có tỷ lệ thành công của implant và phục hình cao, nhưng nếu có kèm theo bệnh lý mô liên kết thì sẽ bị tiêu xương quanh implant và chảy máu nhiều hơn so với không có.
Nhuyễn xương
Đây là tình trạng khiếm khuyết sự khoáng hóa khuôn xương hữu cơ (tức là collagen). Rối loạn này thường liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D và thiếu dinh dưỡng. Thiếu vitamin D làm giảm hấp thu đường ruột và huy động ion calcium ra khỏi xương, kết quả là gây hạ calci huyết. Điều này dẫn đến việc tăng tiết hormon cận giáp, từ đó làm tăng bài tiết phospho qua thận. Sự giảm nồng độ phospho trong dịch xương đã cản trở quá trình khoáng hóa bình thường.
Những đặc trưng của xương trong chứng chuyển xương trên phim X-quang là xương vỏ mỏng và giảm mật độ bè xương. Không tìm được báo cáo nào về sự liên quan lâm sàng giữa chứng nhuyễn xương với kết quả cấy ghép nha khoa. Có thể một số bệnh nhân nhuyễn xương được phân loại là bệnh nhân có “chất lượng xương kém”, xương loại IV, do đó những bệnh nhân này rõ ràng có tỷ lệ thất bại cao hơn.
Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch)
Một số nghiên cứu (đa số là trên động vật) cho thấy cyclosporin làm giảm sự lành thương xương quanh implant và sự tích hợp xương . Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ghép tạng (chủ yếu là gan và thận) sử dụng cyclosporin trong thời gian dài vẫn được điều trị cấy ghép nha khoa thành công.
Tương tự, không có vấn đề đáng kể nào sau phẫu thuật răng-xương ổ răng được báo cáo ở những bệnh nhân HIV (+). Trong một nghiên cứu bệnh-chứng gần đây ở các bệnh nhân HIV (+) đang sử dụng những phác đồ điều trị kháng retrovirus hiệu quả cao khác nhau, sau khi đánh giá sức khỏe quanh implant, các tác giả kết luận rằng cấy ghép nha khoa có thể là một phương án điều trị hợp lý cho bệnh nhân HIV (+), bất kể số lượng tế bào CD4, mức độ nhiễm virus, và phác đồ điều trị kháng retrovirus.
Dường như implant nha khoa được dung nạp tốt và có kết quả ngắn hạn tốt ở những đối tượng nhiễm HIV, nhưng bằng chứng này vẫn còn hạn chế và tiên lượng về sự thành công lâu dài vẫn chưa được xác định. Tiến hành điều trị cấy ghép khi tỷ lệ CD4 cao và bệnh nhân đang điều trị kháng retrovirus là một quyết định khôn ngoan.
Nói chung, không có bằng chứng cho thấy suy giảm miễn dịch là chống chỉ định của cấy ghép nha khoa, nhưng cần phải tham vấn y khoa trước khi điều trị cấy ghép, và phải tuân thủ các biện pháp chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt khi điều trị những bệnh nhân này.
Người nghiện ma túy hoặc nghiện rượu. Không có bằng chứng đáng tin cậy về việc nghiện rượu là chống chỉ định của implant, nhưng những bệnh nhân uống rượu có thể tăng nguy cơ biến chứng. Ảnh hưởng của việc uống rượu lên mật độ xương và sự tích hợp xương đã được chứng minh trong một số nghiên cứu trên động vật. Ở người, đã có bằng chứng cho thấy bệnh nhân uống rượu nhiều sẽ tăng nguy cơ tiêu xương quanh implant và thất bại.
Nói chung, cần đánh giá người có thói quen uống rượu trước khi đặt implant bởi vì nghiện rượu (a) thường kèm theo thói quen hút thuốc lá (đây được xem là một chống chỉ định của cấy ghép), (b) gây suy giảm chức năng gan và có thể gây ra các vấn đề chảy máu, (c) có thể gây loãng xương (một chống chỉ định tương đối khác của cấy ghép), (d) có thể làm suy giảm đáp ứng miễn dịch, và (e) có thể gây thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là folate (vitamin B9) và vitamin B nói chung.
2. Ảnh hưởng của các nguy cơ sức khoẻ lên kết quả điều trị cấy ghép
Ảnh hưởng của các nguy cơ sức khỏe lên kết quả điều trị cấy ghép vẫn chưa rõ ràng bởi vì chỉ có một vài thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng đánh giá tình trạng sức khỏe như một yếu tố nguy cơ.
Về nguyên tắc, chỉ những bệnh nhân có tình trạng thể chất độ I (P1: bệnh nhân khỏe mạnh bình thường) hoặc độ II (P2: bệnh nhân có bệnh lý toàn thân nhẹ) theo Hiệp hội Gây mê Hoa Kỳ (ASA) mới đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật, chẳng hạn như cấy ghép nha khoa, và nguy cơ phẫu thuật của bệnh nhân phải được cân nhắc so với lợi ích mà cấy ghép nha khoa có thể đem lại cho họ.
Đối với các vấn đề y khoa cấp tính và nghiêm trọng (tình trạng thể chất ASA xếp loại P3 đến P6), việc tính toán nguy cơ thất bại dường như là bất khả thi bởi vì những bệnh nhân có tình trạng như vậy hầu như không bao giờ được điều trị cấy ghép.
Một ấn phẩm gần đây nói rằng điều trị nha khoa cho những bệnh nhân được xếp loại P4 hoặc cao hơn nên được trì hoãn cho đến khi tình trạng y khoa của bệnh nhân ổn định và cải thiện tối thiểu đến P3. Các bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến mô trong miệng bằng cách tăng tính nhạy cảm với những bệnh lý khác hoặc cản trở sự lành thương.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan về mô ghép trong Implant