Ảnh hưởng của việc điều trị đại tiện không tự chủ lên các triệu chứng táo bón
Bệnh đại tiện không tự chủ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Nghiên cứu này dựa trên phương pháp thực nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để so sánh sự cải thiện triệu chứng đại tiện giữa các phương pháp điều trị.
Nhóm tác giả:
Uduak U. Andy, MD, J. Eric Jelovsek, MD, MMEd, Benjamin Carper, MS, Isuzu Meyer, MD, Keisha Y. Dyer, MD, MPH, Rebecca G. Rogers, MD, Donna Mazloomdoost, MD, Nicole B. Korbly, MD, Jessica C. Sassani, MD, and Marie G. Gantz, PhD, Pelvic Floor Disorders Network
Ngày xuất bản: 23/11/2019
Đơn vị công tác
- Khoa Phụ Sản, Đại học Pennsylvania, Philadelphia, PA
- Khoa Phụ Sản, Trung tâm Y khoa trực thuộc Đại học Duke, Durham, New York
- Khoa Phụ Sản, Đại học Alabama tại Birmingham, Birmingham, Alabama
- Khoa Phụ Sản Kaiser Permanente, San Diego, California
- Khoa Phụ Sản, Trường Y Alpert thuộc Đại học Brown, Providence, Tiểu bang Rhode Island
- Khoa Sản, Phụ khoa và Khoa học Sinh sản, Đại học trực thuộc Trung tâm Y khoa Pittsburgh, Pittsburgh, PA
- Khoa Sức khỏe Phụ nữ, Trường Y khoa Dell, Đại học Texas tại Austin. Austin, Texas và Đại học thuộc Trung tâm Khoa học Sức khỏe New Mexico, Albuquerque, New Mexico
- Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia – Eunice Kennedy Shriver, Viện Y tế Quốc gia, Bethesda, MD
- Viện Tam giác Nghiên cứu Quốc tế, Công viên Tam giác Nghiên cứu, New York
Tóm tắt
1. Mục tiêu
Nội dung bài viết
Các triệu chứng đại tiện thông thường, chẳng hạn như cảm giác đi tiêu không hết và đi tiêu khó, lại biểu hiện hoàn toàn trái ngược ở những phụ nữ mắc chứng đại tiện không tự chủ (ĐTKTC). Chỉ định điều trị ĐTKTC, như sử dụng thuốc loperamide hay liệu pháp phản hồi sinh học, tương ứng chỉ làm tình trạng bệnh tệ hơn hoặc đơn thuần cải thiện các triệu chứng đại tiện. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là so sánh sự thay đổi của các triệu chứng táo bón ở đối tượng phụ nữ đang điều trị ĐTKTC bằng cách chỉ giáo dục sức khỏe, sử dụng loperamide, các bài tập cơ hậu môn với liệu pháp phản hồi sinh học hoặc điều trị bằng cả loperamide và liệu pháp phản hồi sinh học. Mục tiêu thứ hai của chúng tôi là đối chiếu sự thay đổi của các triệu chứng táo bón giữa những người có và không có đáp ứng với điều trị ĐTKTC.
2. Phương pháp nghiên cứu
Đây là một phân tích thứ cấp được hoạch định sẵn trên một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng bằng cách so sánh hai liệu pháp đầu tay về điều trị ĐTKTC trong một thiết kế giai thừa 2×2. Những phụ nữ mắc ĐTKTC ít nhất một lần mỗi tháng có phân đặc bình thường được chia ngẫu nhiên vào 04 nhóm: 1) uống giả dược kết hợp giáo dục sức khỏe, 2) uống loperamide kết hợp giáo dục sức khỏe, 3) uống giả dược kết hợp liệu pháp phản hồi sinh học hỗ trợ bởi đo áp lực hậu môn trực tràng và 4) uống loperamide kết hợp liệu pháp phản hồi sinh học. Các triệu chứng đi tiêu dựa trên bộ câu hỏi khảo sát chỉ số đánh giá của bệnh nhân về các triệu chứng táo bón (Patient Assessment of Constipation Symptoms – PAC-SYM) được đo lường ở các thời điểm ban đầu, 12 tuần và 24 tuần. Bộ câu hỏi PAC-SYM bao gồm 12 mục tạo thành một tổng điểm chung với 3 thang điểm phụ: các đặc điểm/triệu chứng của phân (độ đặc của phân, kích thước phân, đi tiêu khó, không có khả năng tống phân), các triệu chứng trực tràng (nóng, đau, chảy máu, đi tiêu không hết), các triệu chứng ở bụng (khó chịu, đau, đầy hơi, đau quặn). Mỗi thang điểm phụ và tổng điểm chung nằm trong khoảng từ 0 (không có triệu chứng) đến 4 (điểm tối đa), với điểm số càng giảm cho thấy các triệu chứng càng được cải thiện. Bệnh nhân có đáp ứng với điều trị ĐTKTC được định nghĩa là những phụ nữ có tổng điểm các triệu chứng lâm sàng quan trọng tăng ít nhất 5 điểm, theo thang điểm của St. Mark’s (Vaizey) khi đối chiếu giữa thời điểm bắt đầu và sau 24 tuần. Phân tích theo phân bổ ngẫu nhiên ban đầu được thực hiện bằng cách sử dụng một mô hình hỗn hợp theo chiều dọc, kiểm soát điểm lúc ban đầu, để đánh giá những thay đổi về điểm PAC-SYM xuyên suốt từ lúc bắt đầu đến hết 24 tuần.
3. Kết quả
Ở tuần 24, cả bốn nhóm đều có một số thay đổi nhỏ trong tổng điểm PAC-SYM: nhóm uống giả dược kết hợp giáo dục sức khỏe (−0.3; 95% CI −0.5, −0.1), nhóm sử dụng loperamide kết hợp giáo dục sức khỏe (−0.1, 95% CI −0.3, 0.0), nhóm uống giả dược kết hợp liệu pháp phản hồi sinh học (−0.3, 95% CI −0.4, −0.2), và nhóm sử dụng loperamide kết hợp liệu pháp phản hồi sinh học (−0.3, 95% CI −0.4, −0.2). Không ghi nhận thấy bất kỳ khác biệt nào khi so sánh sự thay đổi về điểm PAC-SYM giữa những phụ nữ được chia ngẫu nhiên vào nhóm dùng giả dược kết hợp giáo dục sức khỏe và nhóm dùng loperamide kết hợp giáo dục sức khỏe (p=0.17) hay nhóm dùng giả dược kết hợp liệu pháp phản hồi sinh học (p=0.82). Sự thay đổi về điểm PAC-SYM của nhóm chỉ dùng loperamide hoặc liệu pháp sinh học với nhóm điều trị kết hợp loperamide và liệu pháp sinh học là như nhau. Điểm PAC-SYM của các bệnh nhân có đáp ứng khả quan hơn nhóm không đáp ứng (−0.4; 95% CI −0.5, −0.3 so với −0.2; 95% CI −0.3, −0.0, p<0.01, sai phân trung bình 0.2, 95% CI 0.1, 0.4).
4. Kết luận
Sau khi điều trị ĐTKTC ở những phụ nữ mắc bệnh, các triệu chứng táo bón thay đổi rất ít và khác biệt không đáng kể giữa các nhóm. Điều trị ĐTKTC bằng loperamide không làm trầm trọng các triệu chứng táo bón ở những đối tượng có phân đặc bình thường. Những đối tượng có chuyển biến tích cực về triệu chứng lâm sàng của ĐTKTC cho biết các triệu chứng táo bón đã được cải thiện rất nhiều.
- PMID: 31765640
- PMCID: PMC7242126
- DOI: 10.1016/j.ajog.2019.11.1256
Từ khóa: Đại tiện không tự chủ, triệu chứng đi tiêu, táo bón, rối loạn hậu môn trực tràng, loperamide, bài tập cơ hậu môn với liệu pháp phản hồi sinh học
Tag: Tiêu hóa, Đại tiện không tự chủ, Táo bón, Loperamide, Liệu pháp phản hồi sinh học
Được trích dẫn: KHÔNG CÓ
Tài liệu tham khảo
- Mohammed SD. Co-existence of constipation and fecal incontinence: a greatly underappreciated clinical problem. Neurogastroenterol Motil 2010;22(Suppl1): 37.
- Siproudhis L, Pigot F, Godeberge P, Damon H, Soudan D, Bigard MA. Defecation disorders: a French population survey. Dis Colon Rectum. 2006. February;49(2):219–27.
- Andrews C, Bharucha AE, Seide B, Zinsmeister AR. Rectal sensorimotor dysfunction in women with fecal incontinence. Am J Physiol Gastrointest Liver Physiol 292: G282–G289, 2007.
- Omar MI, Alexander CE. Drug Treatment for fecal incontinence in adults. Cochrane Database Syst Rev 2013. June 11;(6): CD 002116.
- Markland AD, Burgio KL, Whitehead WE, Richter HE, Wilcox CM, Redden DT, Beasley TM, Goode PS. Loperamide Versus Psyllium Fiber for Treatment of Fecal Incontinence: The Fecal Incontinence Prescription (Rx) Management (FIRM) Randomized Clinical Trial. Dis Colon Rectum. 2015. October;58(10):983–93.
- Ferna´;ndez-Fraga X, Azpiroz F, Aparici A, Casaus M, Malagelada JR. Predictors of response to biofeedback treatment in anal incontinence. Dis Colon Rectum 2003;46:1218–1225.
- Jelovsek JE, Markland AD, Whitehead WE, Barber MD, Newman DK, Rogers RG, Dyer K, Visco AG, Sutkin G, Zyczynski HM, Carper B, Meikle SF, Sung VW, Gantz MG; National Institute of Child Health and Human Development Pelvic Floor Disorders Network. Controlling faecal incontinence in women by performing anal exercises with biofeedback or loperamide: a randomised clinical trial. Lancet Gastroenterol Hepatol. 2019. July 15. pii: S2468-1253(19)30193-1. doi: 10.1016/S2468-1253(19)30193-1.
- Jelovsek JE, Markland AD, Whitehead WE, Barber MD, Newman DK, Rogers RG, Dyer K, Visco A, Sung VW, Sutkin G, Meikle SF, Gantz MG Pelvic Floor Disorders Network. Controlling anal incontinence in women by performing anal exercises with biofeedback or loperamide (CAPABLe) trial: Design and methods. Contemp Clin Trials. 2015;44(Sept):164–174.
- Markland AD, Jelovsek JE, Whitehead WE, Newman DK, Andy UU, Dyer K, Harm-Ernandes I, Cichowski S, McCormick J, Rardin C, Sutkin G, Shaffer A, Meikle S; Pelvic Floor Disorders Network. Improving biofeedback for the treatment of fecal incontinence in women: implementation of a standardized multi-site manometric biofeedback protocol. Neurogastroenterol Motil. 2017. January;29(1).
- Frank L, Kleinman L, Farup C, Taylor L, Miner P Jr. Psychometric validation of a constipation symptom assessment questionnaire. Scand J Gastroenterol. 1999. September;34(9):870–7.
Để biết thêm thông tin về tài liệu tham khảo, vui lòng truy cập tại đây.
Để đọc chi tiết bài nghiên cứu, vui lòng truy cập tại đây.
Nguồn tham khảo: Theo ncbi.nlm.nih.gov